Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lãi suất giảm sâu, dòng tiền có chảy vào bất động sản?

(VTC News) -

Theo các chuyên gia, khi lãi suất giảm sâu, nhà đầu tư sẽ tìm đến các kênh đầu tư sinh lời tốt hơn, trong đó có bất động sản.

Theo khảo sát của PV VTC News, cuối tháng 8/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm khá sâu, về mức dưới 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Theo đó, ngân hàng DongABank đang là một trong những ngân hàng có mức lãi suất cao nhất với 7,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Sau đó là Nam A Bank và NCB cùng niêm yết lãi suất ở mức 7,1%, tiếp đến là và VietABank 7%. Có mức lãi suất thấp nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước 5,8%. 

Ở kỳ hạn 6 tháng, DongABank tiếp tục là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất với 7,55%/năm, tiếp sau là các ngân hàng Nam A Bank (6,7%/năm), PVcomBank (6,7%/năm), VietABank (6,8%/năm), NCB (6,9%/năm).

Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về một số ngân hàng như BAOVIET Bank, GPBank, Kienlong Bank khác có mức 4,75%/năm. Xếp sau là Nam Á Bank với lãi suất niêm yết là 4,65%/năm.

Như vậy, sau khi liên tục giảm, mặt bằng lãi suất đã gần như trở lại thời điểm cách đây 1 năm. Theo các chuyên gia, lãi suất giảm sâu, dòng tiền sẽ tìm đến những kênh đầu tư sinh lời tốt, đặc biệt là bất động sản.

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản có cơ hội đón dòng tiền lớn dịp cuối năm. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đạt mức cao nên người dân bắt đầu chuyển sang gửi tiết kiệm vào ngân hàng sau thời gian dài đổ vào bất động sản. Nhưng cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Đáng chú ý, khi mức lãi suất giảm xuống dưới 10% như hiện nay thì nguồn tiền nhàn rỗi này có thể quay trở lại, giúp thị trường bất động sản hồi phục.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, nếu lãi suất cho vay giảm, áp dụng với cả khoản vay mới và cũ thì sẽ giúp áp lực tài chính của các nhà đầu tư giảm xuống. Theo đó, không còn tình trạng giảm giá, bán bất chấp sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền. 

Lãi suất hạ là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản, giải quyết được vấn đề về thanh khoản. Bởi trong thời gian dài qua, lãi suất tăng cao khiến tâm lý người mua e ngại xuống tiền, từ đó kéo sụt giảm thanh khoản.

Nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống mức 5%, dòng tiền đầu tư sẽ được rút ra khỏi ngân hàng để quay trở lại làm tăng đầu tư, giao dịch trên thị trường bất động sản.

"Nếu lạc quan, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu sôi động từ cuối quý III năm nay, người mua sẽ xuống tiền kích hoạt thanh khoản trở lại”, ông Đính dự báo.

Công ty CP WiGroup cũng đưa ra phân tích, lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành bất động sản hồi phục.

Hiện lãi suất huy động đã điều chỉnh từ quý I/2023, diễn biến lãi suất cho vay có độ trễ nhưng vẫn tiếp tục giảm. Cùng đó, hành lang pháp lý được tháo gỡ giúp khơi thông lại nguồn cung bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng là chất xúc tác quan trọng đối với thị trường.

Hiện tâm lý của nhà đầu tư đã tốt hơn, thủ tục đầu tư dự án được quan tâm tháo gỡ, các ngân hàng giảm lãi suất, ngân hàng nâng hạn mức cho vay, giải ngân đầu tư công tăng tốc, kích thích tiêu dùng và du lịch... Hàng loạt yếu tố này đang giúp giao dịch bất động sản tăng lên.

Ngọc Vy

Tin mới