Về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng. Ảnh: MSB.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã đưa mức lãi suất huy động lên khoảng 7,4 - 7,55%/năm cho các kỳ hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Mặt bằng lãi suất các kỳ hạn này theo đó đã cao hơn khoảng 0,5% so với cách đây 1 năm.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tại Kienlongbank ở mức cao nhất là 7,3%/năm, áp dụng với các khoản gửi 36 tháng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, Kienlongbank lần lượt đưa ra mức lãi suất 7,2%/năm với kỳ hạn 24 tháng; 7%/năm với kỳ hạn 18 tháng; 6,95%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Techcombank tăng lãi suất thêm 0,2%/năm so với đầu tháng 6/2022, đối với kỳ 2 tháng lên 2,9%/năm, 6 tháng lên 4,7%/năm, 12 tháng lên 5,3%/năm. Tương tự, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng của PVCombank chỉ là 6,3%/năm và cao nhất là 6,65%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên nhưng trên kênh online, ngân hàng này chấp nhận trả mức lãi suất 6,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,25%/năm với kỳ hạn 18 tháng trở lên, cao hơn 0,4 - 0,6 điểm % so với kênh gửi tại quầy.
Tại 4 ngân hàng quốc doanh là: BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank hiện có mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất từ 5,5 - 5,6%/năm. Nếu gửi online, mức lãi suất tối đa khách hàng nhận là 6%/năm. Cụ thể, BIDV đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm; giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.
Theo lãnh đạo LienVietPostBank, ngân hàng này không nằm trong nhóm gần cạn room tín dụng nên nhu cầu vốn đầu vào để phục vụ cho vay của ngân hàng vẫn có. Hiện áp lực huy động vốn của ngân hàng cũng không quá lớn, bằng chứng là lãi suất huy động cá nhân chủ yếu vẫn dưới 6%/năm. Duy nhất kỳ hạn 60 tháng được LienVietPostBank áp dụng mức lãi suất 6,99%/năm với mục tiêu thu hút dòng tiền dài hạn.
Lý giải về động thái lãi suất huy động đồng loạt tăng, TS Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV cho biết: Một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một số kênh đầu tư như bất động sản và chứng khoán đã không còn được "thuận lợi" như 2 năm qua nên người dân và doanh nghiệp đã quay trở lại gửi tiền trong ngân hàng nhiều hơn.
"Khi lãi suất tăng, đương nhiên người dân và doanh nghiệp được hưởng mức lợi cao hơn nên nguồn tiền gửi sẽ tăng lên. Điều này góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ đây đến cuối năm", TS Cấn Văn Lực cho biết.
Theo Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/6 đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước (5,47%). Với mức tăng trưởng này, đã có hơn 880.000 tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 9/6/2022 đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm khi nhu cầu tín dụng hồi phục sau đại dịch.
“Trước mắt xu hướng lãi suất cho vay sẽ chưa tăng bởi các ngân hàng có chiến lược riêng và việc điều chỉnh lãi suất tại một số kỳ hạn của một số ngân hàng nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư tốt hơn và đó cũng là động thái riêng của những ngân hàng đó. Với bối cảnh hiện nay, động thái tăng lãi suất huy động nếu không tiếp tục diễn ra nữa thì việc ảnh hưởng đến lãi suất đầu ra có thể sẽ không lớn. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đầu vào nếu trở thành xu hướng thì sức ép tăng lãi suất đầu ra có thể sẽ khó tránh khỏi về mặt trung và dài hạn”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2022, MSB vừa triển khai Giải pháp vay thế chấp lãi suất ưu đãi, với hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, cùng nhiều chính sách hấp dẫn khác dành cho khách hàng cá nhân có hoạt động kinh doanh. Với gói tín dụng này, MSB hỗ trợ đa mục đích vay của khách hàng, từ việc bổ sung vốn lưu động, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đến mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 4,99%/năm. Đây là mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường đồng thời là mức lãi suất cố định trong toàn thời gian vay, giúp khách hàng chủ động và dễ dàng trong việc quản lý tài chính của mình.
Thêm vào đó, với mục đích vay vốn dài hạn như đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, MSB cung cấp hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, thời hạn vay tới 10 năm, khách hàng sẽ giảm áp lực tài chính, an tâm phát triển hoạt động kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, lãi suất huy động và cho vay năm 2022 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, trong đó có thể kể đến như biến động kinh tế thế giới hậu đại dịch và bất ổn chính trị, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
Trong cuộc họp tháng 3/2022, (Cục dự trữ liên bang Mỹ) Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản của đồng USD lên 0,25 - 0,5% (tăng 0,25% so với trước đó) và dự kiến sẽ có nhiều lần nâng lãi suất nữa từ nay đến cuối năm.
Theo đó, lãi suất huy động trong nước cũng đã tạo đáy và có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023 góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: Trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng.
“Việc Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp hiện được xem là giải pháp kịp thời, tuy nhiên cấp bù phải đưa ra tiêu chí rõ ràng, minh bạch về đối tượng được hưởng lãi suất để ngân hàng áp dụng cho đúng. Mục đích gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi nên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi. Gói tín dụng cần thực hiện nhanh nhưng không vì thế mà cho doanh nghiệp ‘yếu’ vay, nếu không nợ xấu sẽ tăng nhanh”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.