Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lá phiếu nhỏ gửi niềm tin lớn vào cơ quan quyền lực

(VTC News) -

Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thành công tốt đẹp, song thành công đó chỉ được khẳng định sinh động qua hiệu lực, hiệu quả của cơ quan dân cử trong thời gian tới.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tính đến 22h ngày 23/5, báo cáo của 44/63 tỉnh, thành phố, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu khoảng 67.630.011/68.709.092 cử tri (98,43%), thể hiện quyền dân chủ trực tiếp để lựa chọn những ứng cử viên ưu tú vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực ở địa phương.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cấp ủy, Ủy ban bầu cử các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, ủy ban bầu cử các cấp, sự cộng đồng trách nhiệm của các bên liên quan, lực lượng tuyến đầu chống dịch và sự ủng hộ, tuân thủ các quy định phòng dịch của Nhân dân, chúng ta đã nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dần kiểm soát, siết chặt được nguồn lây ngoài cộng đồng, đồng thời tích cực chuẩn bị chu đáo các bước cuối cùng cho cuộc bầu cử diễn ra đồng loạt trên cả nước vào ngày Chủ nhật 23/5, bảo đảm được quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả cử tri cả nước, trong đó có các địa phương đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng...

Với gần 69 triệu lá phiếu của cử tri để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội, gần 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh, hơn 2 vạn đại biểu HĐND cấp huyện và hơn 24 vạn đại biểu HĐND cấp xã, đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. (Ảnh: Vũ Toàn)

Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND lần này diễn ra khi đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm giành được độc lập, 35 năm đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2021) và đang bước vào giai đoạn mới, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới; đang triển khai thực hiện các nghị quyết, đưa các nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự là của dân, do dân và vì dân; đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Chính vì vậy, cũng như mọi đại biểu cử tri cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi trực tiếp đi bỏ phiếu tại Hà Nội  đã bày tỏ mong muốn tất cả các vị đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này sẽ hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật đã quy định. "Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc" như Bác Hồ đã dạy.

“Là đại biểu của nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó” – Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm.

Từ Củ Chi – quê hương cách mạng “đất thép, thành đồng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh truyền thống đại đoàn kết quý báu cần tiếp tục nâng lên nhiều hơn nữa, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, người trong nước và ở nước ngoài, cùng nhau đồng tâm, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu. Người đứng đầu Nhà nước cũng một lần nữa đặt vấn đề tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để mọi quyền lợi, quyền lực của chính quyền các cấp đều xuất phát từ nhân dân, phục vụ người dân. Đó cũng chính là niềm tin và kỳ vọng mà hàng chục triệu cử tri trên cả nước đã gửi gắm qua từng lá phiếu.

Quốc hội và HĐND các cấp chỉ mạnh, thực sự phát huy vị trí, vai trò khi tập hợp được những đại biểu có đức, có tài, trách nhiệm và liêm chính. Quy trình sàng lọc nhân sự cũng như phát huy cao nhất quyền và sự sáng suốt lựa chọn của cử tri vì thế có ý nghĩa rất lớn. Và như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi thực hiện quyền bầu cử ở cử tri: "Tầm quan trọng ở đây chính là chúng ta đã tổ chức được cuộc bầu cử công khai, minh bạch, công bằng. Để mỗi cử tri thực hiện được quyền và nghĩa vụ công dân của mình, lựa chọn một cách tự do những người xứng đáng nhất".

Cử tri đi bỏ phiếu lựa chọn những người xứng đáng vào các cơ quan dân cử. (Ảnh: Thiên Lý)

Sự phát triển của đất nước những năm qua có đóng góp quan trọng của Quốc hội trên tất cả các phương diện. Quốc hội khóa XIV đã đổi mới, gặt hái được nhiều thành quả và Quốc hội Khóa XV cần củng cố thành quả đạt được, tiếp tục đổi mới hoạt động để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước và góp phần quan trọng kiến tạo sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Trên quan điểm “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định Quốc hội vẫn còn dư địa để đổi mới hoạt động ở cả 3 chức năng: Lập pháp; giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Đại biểu Quốc hội sẽ là hạt nhân quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ này.

Kết quả sẽ được công bố trong vòng 20 ngày, thậm chí còn phải qua vòng “sát hạch” thẩm tra tư cách đại biểu, người trúng cử mới thực sự được xướng tên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tại các cơ quan dân cử.

Điều quan trọng, niềm tin của cử tri đã được gửi gắm qua lá phiếu với mong muốn cơ quan quyền lực ngày càng đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường; các đại biểu thực sự vì nước, vì dân như lời cam kết khi vận động bầu cử, thực hiện tốt chương trình hành động đề ra.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp, đúng nghĩa ngày hội toàn dân. Song thành công đó chỉ được khẳng định sinh động qua hiệu lực, hiệu quả của cơ quan dân cử. Lá phiếu nhỏ đã gửi trao, song trách nhiệm lớn vẫn còn phía trước.

Ngọc Thành (VOV.VN)

Tin mới