Ngày 29/10, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho hay, phòng GD&ĐT TX. Bến Cát đến nay đã có báo cáo cụ thể về quyết định xử lý liên quan đến vụ nữ sinh trường THCS Lê Quý Đôn (phường Mỹ Phước) bị bạn đánh hội đồng.
Theo đó, vụ việc diễn ra ngày 19/10 tạo dư luận không tốt trong ngành giáo dục của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Sau sự việc, nhà trường nhanh chóng vào cuộc xác minh. Qua làm việc với thầy cô chủ nhiệm cùng các em có liên quan, được biết sáng 19/10, các em có học ở trường 3 tiết văn hóa, 1 tiết giáo dục thể chất.
Sau giờ học, H.P.Q., học sinh lớp 9A2 (người bị đánh trong clip) có mâu thuẫn lời qua tiếng lại về màu sắc đôi giày với nhóm bạn cùng trường: T.B.N. (lớp 8A6), T.T.C.T. (lớp 8A7), H.T.H.P. (lớp 8A8) và T.T.B.N. (HS lớp 9A4), nên chủ động hẹn qua điện thoại và lôi kéo các bạn khác đến quảng trường Trung tâm Hội nghị TX.Bến Cát để nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn và xảy ra đánh nhau.
Xử lý học sinh bị đánh, nhóm học sinh đánh bạn và cả người quay clip.
GD&ĐT tỉnh Bình Dương sau đó căn cứ vào hướng dẫn của Bộ đề nghị nhà trường họp Hội đồng kỷ luật. Hội đồng có sự giám sát của ông Lê Minh Vũ - Phó trưởng phòng GD&ĐT TX.Bến Cát, cùng 36 thành viên trong Hội đồng kỷ luật.
Đối với học sinh bị đánh và 5 học sinh đánh bạn, đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo ghi học bạ. Đối với 14 học sinh đứng xem và cổ vũ đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách và thông báo với gia đình. Ngoài ra, nhà trường công bố mức kỷ luật đối với 19 học sinh trước toàn thể 1.440 học sinh toàn trường.
Trong khi đó, người quay clip rồi tung lên mạng xã hội được xác định là Nguyễn Phúc Khang (SN 2000, ngụ khu phố 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Khang đi ngang qua thấy cảnh các em đánh nhau nên quay clip tung lên mạng xã hội. Công an địa phương sau đó mời Khang làm việc, viết bản tường trình, cam kết và xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng clip đưa lên mạng xã hội thể hiện cảnh bạo lực, có dấu hiệu kích động thì chủ nhân của clip đó sẽ bị xử lý. Nhưng, để đưa ra quyết định xử lý người tung clip phải căn cứ vào bối cảnh diễn ra vụ việc.
Cụ thể, nếu các bên tham gia ẩu đả quá đông, người quay clip không thể can thiệp, ngăn cản hành vi bạo lực thì việc họ quay clip làm bằng chứng tố giác thì không thể coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngược lại, nếu người quay clip đủ điều kiện để ngăn cản, can thiệp không cho việc đánh nhau xảy ra nhưng họ không làm hoặc có hành vi cổ xúy, kích động các nhóm đánh nhau để quay clip đưa lên mạng nhằm câu like thì hành vi này đáng lên án và hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính. Thay vì đưa clip lên mạng, người quay lại cảnh bạo lực cần đưa đến cơ quan chức năng để tố giác tội phạm.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, chủ clip quay cảnh bạo lực học đường cho hay em rất bất ngờ khi bị triệu tập và sau đó bị xử phạt hành chính. Việc quay clip và đưa lên mạng Nguyễn Phúc Khang cho rằng không có động cơ gây kích động, không câu like mà thông qua đó muốn cơ quan chức năng biết để xử lý.
Khang cho biết, em chỉ là người đi đường lại đơn thân trong vòng vây của hàng chục học sinh nên không dám vào can ngăn vì sợ bị đánh lây. Do đó, Khang chỉ còn cách quay lén lại vụ việc nhưng không biết giao cho ai và chỉ nghĩ đơn giản là đưa lên mạng cho người thấy xử lý.