Video: Thiên thạch "tạt qua" bầu khí quyển Trái đất
Tối 22/9, các nhà thiên văn phát hiện một thiên thạch phát sáng như quả cầu lửa bay vụt qua bầu trời Đức và Hà Lan.
Đoạn video được Mạng lưới Thiên thạch Toàn cầu (GMN) ghi lại cho thấy, thiên thạch trên bay vào bầu khí quyển của chúng ta trong 19 giây ở độ cao chừng 90 km. Quãng đường mà nó đi dược trong khoảng thời gian này là 800 km.
Sau khi lướt qua Trái đất, nó trở lại không gian sâu thẳm.
Nhà vật lý Dennis Vida thuộc Đại học Western Ontario cho biết, ông và các nhà khoa học khác đã lần theo dấu vết của thiên thạch trên tới quỹ đạo sao Mộc, nhưng không thể "truy" được nguồn gốc thiên thể mà nó từ đó bắn ra.
Thiên thạch (Meteoroid) là thuật ngữ chỉ vật thể nhỏ di chuyển trong không gian. Khi chúng đi vào bầu khí quyển của Trái đất và cháy sáng sẽ tạo thành sao băng. Nếu thiên thạch không cháy hết, phần nhỏ sót lại rơi xuống đất, chúng được gọi là vẫn thạch.
Rất hiếm trường hợp thiên thạch bay qua bầu khí quyển và trở lại không gian.
Ông Vida ước tính thiên thạch rạch qua Trái đất lần này có kích thước khoảng 10 cm.
"Đây là lần thứ 5 Trái đất ghi nhận thiên thạch có kích thước như vậy. Có lẽ còn nhiều hơn vì không phải tất cả các quan sát đều được công bố, nhưng chúng hiếm hơn đáng kể so với các thiên thạch thông thường", ông này cho hay.