Kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) đặt tại một vùng hẻo lánh ở Tây Australia quan sát thấy đám mây hình sứa kỳ lạ trong cụm thiên hà Abell 2877 cách Trái đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng.
"Chúng tôi đã xem xét dữ liệu và khi giảm tần suất xuống, chúng tôi thấy một cấu trúc giống như một con sứa ma quái bắt đầu xuất hiện", tác giả chính của nghiên cứu Torrance Hodgson tới từ Đại học Curtin (Australia) cho biết.
"Sứa" Abell 2877 có đường kính bằng khoảng 1/3 đường kính của Mặt trăng khi quan sát từ Trái đất. (Ảnh: Đại học Curtin)
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ có thể quan sát thấy đám mây sứa trong một dải ánh sáng vô tuyến hẹp bằng kính thiên văn vô tuyến tần số thấp .
"Ở tần số 200 MHz, sự phát xạ hoàn toàn biến mất", ông Hodgson cho hay.
Lý giải về quang phổ độc đáo của cấu trúc này, Hodgson tin rằng vào khoảng 2 tỷ năm trước, một số ít hố đen siêu khối lượng từ nhiều thiên hà phun ra các tia plasma cực mạnh. Plasma này mờ đi, im lặng và nằm im. Gần đây, các dòng plasma bắt đầu trộn lẫn khi các sóng xung kích nhẹ truyền qua.
"Điều này làm nóng lại plasma trong một thời gian ngắn, thắp sáng "con sứa" và các xúc tu của nó để chúng ta nhìn thấy", Hodgson nói.
Với đặc điểm này, nhóm nghiên cứu ví đám mây sứa như một con phượng hoàng tài sinh từ đống tro tàn.
Các nhà nghiên cứu sử dụng mô phỏng máy tính để chứng minh lời giải thích này là một câu chuyện hợp lý về nguồn gốc từ cấu trúc kỳ lạ trong thiên hà Abell 2877. Nhưng vẫn có một số câu hỏi chưa có lời giải như "sóng xung kích nhẹ" đến từ đâu.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có cái nhìn sâu hơn về đám mây sứa kỳ quái trong tương lai khi có thêm các dữ liệu.