Con thủy quái này thuộc nhóm bò sát biển, giống thằn lằn có tên là mosasaurus (ngư long), sống trong thời kỳ khủng long. Các thợ mỏ tìm thấy bộ xương của nó tại một mỏ kim loại ở Khouribga, Maroc.
Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra mẫu vật, họ nhận thấy những chiếc răng đặc biệt của nó với các đặc điểm chưa từng thấy ở bất cừ loài bò sát nào, cả đang sống và tuyệt chủng.
Do điểm đặc biệt này, các nhà khoa học đặt tên cho nó là Xenodens calinechari (có nghĩa là "những chiếc răng kỳ lạ" trong tiếng Hy Lạp và Latinh). Nhờ bộ răng dày đặc, X. calinechari có vết cắn như của cá mập. X. calinechari to cỡ một con cá heo, dùng hàm răng làm vũ khí. Nó không có vây và sở hữu bộ da có khoang vằn vện khác lạ.
Mô phỏng về Xenodens calinechari. (Ảnh: Andrey Atuchin)
Trong nửa sau kỷ Phấn trắng khi X. safeinechari còn sống, Maroc là vùng biển nhiệt đới. Vùng biển này khi đó là nơi sinh sống của nhiều loài động vật biển săn mồi như các loài mosasaurus khác, thằn lằn đầu rắn, rùa biển khổng lồ và cá răng cưa.
"Có rất nhiều loài mosasaurus sống ở đây. Một số là những kẻ săn mồi khổng lồ dưới đáy biển sâu, giống như cá nhà táng hiện đại, trong khi những con khác có hàm răng khổng lồ và có thể dài tới 10 m", Nick Longrich, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tiến hóa Milner thuộc Đại học Bath (Anh) cho hay.
Theo Nick, bộ răng hiếm gặp của X. calinechari tạo cho nó chiến lược săn mồi độc đáo là dùng răng để cắt con mồi lớn thành những phần nhỏ.