Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Không thỏa mãn hồi đáp của phương Tây, Nga đi xa đến đâu trong vấn đề Ukraine?

Nga cho rằng Mỹ và NATO không đáp ứng những đòi hỏi an ninh của mình trong khi phương Tây ngày càng cảnh giác trước nguy cơ một cuộc xung đột quân sự “sắp nổ ra”.

Phản ứng của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ và NATO đã không đáp ứng những đòi hỏi an ninh quan trọng của Moscow liên quan đến vấn đề Ukraine giữa bối cảnh Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ triển khai thêm lực lượng tới Đông Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra phản ứng đầu tiên trước phản hồi của Mỹ và NATO trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau nhiều tuần im lặng. Tổng thống Putin sẽ xem xét những phản ứng mà Washington và NATO đưa ra trong tuần này trước khi quyết định hành động xa hơn.

"Thực tế cho thấy Mỹ và NATO đã không tính đến những mối lo ngại cơ bản của Nga", điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin cho hay.

Phía Nga cũng liệt kê ra một loạt những mối lo ngại của mình như phản đối việc mở rộng NATO, đề nghị phương Tây không triển khai các vũ khí tấn công đến gần biên giới của Nga, cũng như duy trì "cơ sở hạ tầng và khả năng quân sự" như thời điểm trước khi các nước từng thuộc Khối Warsaw ở Đông Âu tham gia vào liên minh này. Điện Kremlin cũng yêu cầu đảm bảo rằng Ukraine sẽ vĩnh viễn không được gia nhập NATO.

"Câu hỏi quan trọng đã bị phớt lờ. Không nước nào nên tăng cường an ninh của mình mà cái giá phải trả là an ninh của một quốc gia khác", điện Kremlin cho hay.

Một quan chức thuộc văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng ông không muốn tình hình căng thẳng leo thang, nhắc lại những nhận định của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng Moscow không muốn chiến tranh. Những bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/1 cảnh báo việc Nga tấn công Ukraine có lẽ "sắp xảy ra".

Ngày 28/1, Tổng thống Biden thông báo ông sẽ sớm điều một số lượng nhỏ binh lính Mỹ để tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu khi căng thẳng vẫn ở mức cao. Mỹ hiện có hàng nghìn binh lính đồn trú ở hầu hết các nước Tây Âu.

Ukraine - "Chúng ta không cần phải hoảng sợ"

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích về những "cảm nhận bên ngoài" rằng chiến tranh sắp nổ ra, đồng thời cho biết, cuộc tấn công của Nga "không ở ngay trước mặt" mặc dù một cuộc chiến gây tổn thất về kinh tế là có thể xảy ra.

Trong một cuộc điện đàm trước đó, Tổng thống Biden cảnh báo ông Zelensky về "khả năng rõ ràng" Nga có thể hành động quân sự với Ukraine.

"Chúng ta không cần phải hoảng sợ như vậy", ông Zelensky nhận định trong một buổi họp báo ở Kiev.

"Tôi không cho là tình hình hiện nay căng thẳng hơn trước đó. Có một cảm nhận ở bên ngoài rằng chiến tranh xảy ra ở đây. Điều đó không phải vậy".

Ông cũng kêu gọi Nga đưa ra tuyên bố về việc nước này không có ý định tấn công Ukraine.

"Họ nói về điều này một cách công khai trên những phương tiện truyền thông khác nhau và từ những quan chức khác nhau, vì thế ít nhất thì họ có một vài động thái chứng minh điều đó", nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.

Biên tập viên Kimberly Halkett của trang Al Jazeera bình luận: "Dường như Tổng thống Ukraine đang muốn xác thực những điều từng bị hiểu sai. Những gì chúng tôi nghe từ Mỹ và Tổng thống Biden là mối đe dọa chiến tranh sắp xảy ra nhưng theo Tổng thống Ukraine, khả năng này vẫn chưa xảy ra như những gì Washington miêu tả".

Các nguồn tin nhận định với CNN rằng giữa Tổng thống Zelensky và các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã xảy ra căng thẳng. Ukraine lo ngại nước này đang trở thành quân tốt trong cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Nga hoặc những vấn đề của nước này chỉ là thứ yếu trong hàng loạt tranh cãi lớn hơn giữa hai cường quốc thế giới. Mặc dù phía Mỹ đã bác bỏ điều đó nhưng các quan chức Ukraine ngày càng công khai nói về việc nước này bị phớt lờ ngay giữa căng thẳng gia tăng.

Thậm chí Nhà Trắng đã tiến hành nhiều sự hỗ trợ nhất có thể cho Kiev như các đợt vận chuyển thiết bị quân sự và hỗ trợ ngân sách nhưng một số quan chức Ukraine kín đáo cho rằng, sự ủng hộ này không nhận được nhiều sự cảm kích từ chính quyền Tổng thống Zelensky.

Tổng thống Zelensky ban đầu dường như cũng lo ngại về những đánh giá của Mỹ và công khai cáo buộc Nga hồi tháng 11 về việc nước này đang lên kế hoạch lật đổ chính quyền của ông. Nhưng trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo Ukraine và các cố vấn của ông ngày càng mệt mỏi trước những điều mà họ cho là "phản ứng thái quá" từ Mỹ bởi các quan chức tin rằng việc này đang gây ra hoảng loạn và xáo trộn về kinh tế ở Ukraine.

Tổng thống Zelensky và các cố vấn của ông cũng vô cùng giận dữ trước quyết định của Mỹ khi sơ tán gia đình của các nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Kiev - một quyết định mà nhà lãnh đạo này công khai gọi là "sai lầm" hôm 28/1. Họ cũng không hài lòng trước việc Mỹ liên tục sử dụng từ "sắp xảy ra" để nói về nguy cơ chiến tranh.

Trong khi đó, Tổng thống Biden và các cố vấn của ông không hài lòng trước việc chính quyền Tổng thống Zelensky hạ thấp mối đe dọa trên và tin rằng, những cảnh báo cũng như các tuyên bố đe dọa về những hậu quả nghiêm trọng Nga có thể đối mặt nếu xung đột xảy ra là chìa khóa để răn đe.

Tối 27/1, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, Tổng thống Biden hối thúc Kiev chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ xung đột nổ ra vào tháng 2/2022 - một bình luận mà nhà lãnh đạo Ukraine không đồng tình. Một quan chức cấp cao Ukraine cho biết cuộc điện đàm đã "không diễn ra suôn sẻ".

“Quân bài” năng lượng

Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Moscow không muốn chiến tranh nhưng sẽ không cho phép các lợi ích của Nga "bị coi thường và bị phớt lờ".

"Nếu mọi thứ tùy thuộc vào Nga thì sẽ không có cuộc chiến tranh nào cả. Chúng tôi không muốn chiến tranh", nhà ngoại giao Nga cho hay.

Quân nhân Nga trong cuộc tập trận chiến thuật ở khu vực Rostov của Nga ngày 10/12/2021. (Ảnh: Reuters)

Ông Lavrov dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa trong những tuần tới. Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai bên ở Geneva ngày 21/1 đã không đạt được tiến triển nào. Dù vậy, nhà ngoại giao Nga cho biết những đề xuất phản hồi của Mỹ phù hợp hơn so với của NATO.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ cho biết Washington hoan nghênh bình luận của ông Lavrov rằng Nga không muốn chiến tranh. Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) cũng cảnh báo Nga sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế nếu tấn công Ukraine.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định họ đã nhất trí về việc đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu song không cung cấp thêm thông tin. EU hiện phụ thuộc khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt từ Nga và phương Tây lo ngại, điện Kremlin có thể sẽ sử dụng ưu thế về năng lượng như một công cụ gây ảnh hưởng.

Các quan chức EU đã kêu gọi một lập trường đoàn kết trong khối về vấn đề Ukraine nhưng một số quan chức lo ngại Đức - vốn lo lắng về nguồn cung năng lượng - sẽ không áp dụng một lập trường cứng rắn.

Nguy cơ chiến tranh

Ngày 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thận trọng đánh giá, Nga "vẫn còn thời gian và không gian cho ngoại giao". Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng hối thúc Nga "theo đuổi một giải pháp ngoại giao".

"Quân sự sẽ luôn là giải pháp cuối cùng. Thành công ở đây là thông qua đối thoại", quan chức này cho hay.

Kiều Anh (VOV.VN)

Tin mới