Phân loại rác tại nguồn nhằm chọn các loại rác có giá trị tái chế sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Phân loại rác tại nguồn mang đến nhiều lợi ích cho kinh tế, môi trường, sức khỏe tuy nhiên chưa được tuyên truyền thực hiện một cách rốt ráo, triệt để. Vẫn nhiều người dân, hộ gia đình chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn, gây khó khăn cho việc xử lý rác.
Thời gian qua, hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm – Bảo vệ môi trường và hành động của bạn” do Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn thính giả về vấn đề này. Tại hộp thư số 6, với chủ đề “Phân loại rác thải tại nguồn: Khó hay dễ?”, một bạn thính giả có tên Hoàng Quốc Hướng gửi thắc mắc của mình qua trang fanpage VOV FM89 – Tận tâm vì sức khỏe người Việt với nội dung như sau:
"Tôi có tìm hiểu và biết được người dân có thể bị xử phạt tiền nếu không phân loại rác thải. Tôi cảm thấy rất lo ngại khi biết thông tin này. Vậy hình thức xử phạt này sẽ áp dụng như thế nào và khi nào thì bị xử phạt?"
Phân loại rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí.
Với câu hỏi này, chương trình đưa ra câu trả lời như sau:
"Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8. Tuy nhiên đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ chưa phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt".
Bên cạnh quy định về phân loại chất thải rắn, Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước; vi phạm các quy định về đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường…
Phân loại rác không phải công việc quá lớn, nhưng nếu mỗi người đều tự giác phân loại rác thải tại nhà thì sẽ mang đến nhiều lợi ích cho môi trường sống, giúp giảm đi một lượng rác thải ra môi trường một cách đáng kể, tiết kiệm thêm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý; góp phần giảm đi sự ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, sử dụng và bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên.