Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ra mắt Không gian Sáng tạo và Nghệ thuật ngay tại tầng 5 tòa nhà E4, được thiết kế theo phong cách cổ điển với những chi tiết đầy tính nghệ thuật.
Đây sẽ là nơi phục vụ cho cán bộ giảng viên và sinh viên trong trường đến vẽ tranh, thưởng thức những khung hình đẹp sau những giờ học tập và làm việc căng thằng. Xuyên suốt cả tầng 5 tòa E4, trường Đại học Kinh tế đã bố trí thêm những bức tranh nghệ thuật thiên hướng giáo dục của họa sĩ Trần Tiến Dũng.
“Du dương” (Du ca) được tác giả vẽ một người phụ nữ đang chơi dương cầm ở dưới vòm hoa. Tiếng dương cầm như đang đẩy âm thanh đi để mang lại không gian “tĩnh, an” ở trong bức tranh. Đây chính là cách mà người hoạ sĩ muốn thổi hồn vào bức tranh để mang đến một nét đẹp hài hoà, độc đáo.
Chia sẻ về những tác phẩm của mình, họa sĩ Trần Tiến Dũng cho biết: “Mỗi cái bức tranh đều có một nét đẹp được người hoạ sĩ gửi gắm những triết lý".
Một bức hình tiêu biểu trong không gian nghệ thuật sáng tạo chính là bức “Học giả”.
Nhìn vào tổng thể từ áo, quần, đồng hồ đều thể hiện do một người khác chỉ đạo và sắp xếp. Thế nên chiếc đồng hồ trên tay cũng là đồng hồ đeo ngược. Tuy nhiên sự tâm huyết trong ông đều bị buông ra ngoài khi mà ông cảm thấy trong đầu không có chút kiến thức gì mặc dù học rất nhiều. Trong khi đó, đến bông hoa cũng chỉ còn cuống. Dụng ý bức tranh muốn nói đến việc học thật – học giả, một điều quan trọng đối với các nhà giáo.
Một nhà giáo khi xem tranh đã chia sẻ: “Khi nhìn vào những bức tranh, chúng ta phải ngẫm nghĩ, phiêu theo cảm xúc của bức tranh. Theo đó, tôi thấy mỗi trường đại học cần phải có một không gian sáng tạo, mới mẻ và độc đáo”.
Bức tranh "Vũ điệu của giới trẻ" hướng tới những giá trị sống đích thực, khuyên con người phải có tâm và đạo.
Bên cạnh đó, bức hình nữ sinh với tà áo dài thể hiện nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Mỗi bức tranh được trang khí các góc khác nhau với dụng ý và ý nghĩa khác nhau nhưng đều khiến các bạn trẻ rút ra được những bài học thú vị.