Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không dễ điều tra quy mô kinh tế ngầm Việt Nam

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều tra quy mô kinh tế ngầm của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Tại cuộc họp báo chuyên đề về đánh giá lại quy mô GDP mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê thông tin về việc cơ quan này đánh giá lại GDP Việt Nam từ năm 2010 đến 2017 và việc điều tra khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát mới chỉ làm rõ được 3 thành tố trong 5 thành tố.

 Đánh giá quy mô kinh tế ngầm sẽ gặp nhiều thách thức. (Ảnh minh họa)

Theo ông Lâm, cơ quan này đã xây dựng đề án điều tra khu vực kinh tế ngầm và bất hợp pháp. Đơn vị này cũng sẽ xác định lại nội hàm kinh tế bất hợp pháp và kinh tế ngầm là gì? Từ đó xác định phương thức thu thập thông tin thế nào để phán ánh được kết quả hoạt động của hai lĩnh vực này.

Trả lời VTC News về việc điều tra khu vực kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp tại Việt Nam, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, việc này sẽ gặp không ít thách thức.

Ông nhấn mạnh, kinh tế phi hình thức khác với kinh tế bất hợp pháp. Kinh tế ngầm là không đăng ký kinh doanh nhưng không phạm pháp.

Chúng ta thử hỏi xem nông dân họ có nộp thuế đầy đủ không? Có ai dám chắc hộ kinh tế gia đình đóng thuế khoán đầy đủ? Xưa nay, có một thông lệ cho thấy người chủ hộ và người thu thuế thường hay thương lượng với nhau”, ông Doanh nói.

Vì thế theo chuyên gia này, việc điều tra kinh tế phi hình thức sẽ không khả thi.

Viện dẫn đến đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đưa các hộ gia đình lên thành doanh nghiệp, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, điều này đang có quá nhiều bất cập.

Đề án bắt hộ kinh tế gia đình phải đăng ký với quận huyện. Hiện nay chúng ta đang có 3 triệu hộ gia đình kinh doanh, trong khi tổng số các DN đang hoạt động hiện nay là 680.000. Nếu 3 triệu hộ kinh tế gia đình đó được đưa vào các quận, huyện thì các cơ quan chức năng có quản lý được không?”, chuyên gia đặt câu hỏi và cho rằng đề án chưa lường hết các hệ quả xảy ra.

Các nước trên thế giới có cách thu thuế đối với doanh nghiệp hay hộ kinh doanh đáng học hỏi. Ví dụ ở Đức, nếu hộ kinh doanh đăng ký làm nhà hàng, chính quyền sẽ đến giúp đỡ nhiệt tình, sắp xếp chu đáo mọi thứ. Cuối cùng, họ sẽ biếu hộ kinh doanh đó một chiếc máy tính. Máy tính này được nối với Sở thuế, và mọi hoạt động của hộ kinh doanh đều được Sở thuế giám sát. Hộ kinh doanh làm gì, thu bao nhiêu tiền thì nộp luôn vào thuế. Nói vậy để thấy, câu chuyện thu thuế được họ giải quyết rất nhẹ nhàng”, ông Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Nhấn mạnh việc thu thuế một cách công bằng là cần thiết nhưng theo chuyên gia kinh tế, thu thuế với hộ kinh doanh như thế nào vẫn đang là bài toán khó đối với Việt Nam. Theo ông, đề án này cần cẩn trọng và cần được làm thử nghiệm ở một khu vực nào đó để rút kinh nghiệm trước khi được nhân rộng.

Đưa kinh tế hộ gia đình thành DN, trên thế giới chưa nước nào làm được. Chỉ lấy đơn giản thế này, bây giờ tự nhiên bảo một bà bán bún ốc đầu phố mở doanh nghiệp rồi làm giám đốc, rồi bắt làm biên lai nộp thuế thì chắc chắn là rất khó”, chuyên gia kinh tế phân tích.

Đào Bích

Tin mới