Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên - Bài toán hóc búa bậc nhất với Tổng thống Biden

(VTC News) -

Kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng nêu bật một sự thật không mấy dễ chịu đối với Biden khi ông chuẩn bị gặp Tổng thống Hàn Quốc tại Nhà Trắng.

Chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, các hình ảnh vệ tinh cho thấy hơi nước xuất hiện tại nhà máy tái chế plutonium thuộc tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. 

"Chúng tôi vẫn ở đây"

Sự việc nói trên là dấu hiệu cho thấy hoạt động chiết xuất thành phần vũ khí hạt nhân quan trọng.Triều Tiên thừa hiểu các thay đổi này sẽ lập tức được đưa vào bản tóm tắt hàng ngày của Biden. 

Tiến sỹ Victor Cha - cựu giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, Bình Nhưỡng đang ngầm bắn đi thông điệp rằng "chúng tôi vẫn ở đây".

Sức mạnh không thay đổi của kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng cho thấy một sự thật không mấy dễ chịu đối với Biden khi ông chuẩn bị đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in của tại Nhà Trắng. Ông Moon nhiều lần nhấn mạnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là "vấn đề sống còn" và kêu gọi ông Biden nối lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. 

Triều Tiên tiết lộ các tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 14/1. (Ảnh: KCNA)

Nhưng kho vũ khí hạt nhân và dự trữ nhiên liệu của Triều Tiên đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua. Đà tăng này khá ổn định ngay cả khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có các cuộc đàm phán lịch sử với cựu Tổng thống Donald Trump. 

Theo ước tính, Triều Tiên hiện sở hữu ít nhất 45 vũ khí hạt nhân và đang hướng tới kho vũ khí có quy mô gần bằng Pakistan. Mỹ từng yêu cầu quốc gia Nam Á này giải trừ vũ khí hạt nhân và họ đã làm điều đó. 

Các quan chức trong chính quyền Biden thừa nhận họ không ảo tưởng Triều Tiên sẽ từ bỏ toàn bộ chương trình của mình. Nhưng giống như những người tiền nhiệm, Biden không chính thức thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. 

Theo các chuyên gia, bất cứ sự thừa nhận chính thức nào về kho vũ khí của Triều Tiên cũng sẽ làm hồi sinh các cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài về việc liệu các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản có thể phụ thuộc vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ hay không. 

Robert J. Einhorn, cựu chuyên gia hạt nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc gọi tên Triều Tiên là quốc gia hạt nhân sẽ thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản mua thêm vũ khí hạt nhân. Einhorn nói ông hy vọng chính quyền Biden sẽ sử dụng chuyến thăm tới đây của Tổng thống Hàn Quốc để tái khẳng định việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn là mục tiêu cuối cùng. 

Ít hứa hẹn, đi đường dài

Trong nhiều tháng nay, Biden và cấp dưới vẫn đang xem xét chiến lược với Bình Nhưỡng với sự tham vấn của Seoul và Tokyo. Thay vì cố gắng đi tới một hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, lời hứa về mối quan hệ mới giữa Nhưỡng và Washington, chính quyền Biden sẽ bắt đầu với các bước xây dựng lòng tin từ từ. 

Đó có thể là cách tiếp cận từng bước quen thuộc như các cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama từng làm. Một số thỏa thuận đạt được, đôi khi một vài cơ sở hạt nhân của Triều Tiên bị phá hủy. Nhưng dường như tất cả chỉ là để 'trưng bày". Các cơ sở vẫn được xây dựng lại sau đó, Triều Tiên tiếp tục sản xuất vật liệu hạt nhân.

Cựu Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Moon Jae-in là nguyên thủ thứ hai trực tiếp tới thăm Nhà Trắng sau khi ông Biden nhậm chức. 

Theo ông Cha, ông Biden sẽ không trực tiếp nhắc tới Triều Tiên trong cuộc gặp tới. Các quan chức trong chính quyền cũng từng làm rõ rằng họ không quan tâm tới việc làm cho ông Kim cảm thấy hài lòng bằng cách biến ông trở thành tâm điểm chú ý như trong các cuộc gặp kịch tích với Trump tại Hà Nội, Singapore hay Khu phi quân sự liên triều. 

Nhưng Nhà Trắng không loại bỏ hết tất cả các biện pháp ngoại giao của ông Trump.

Tòa Bạch Ốc cho biết họ muốn xây dựng trên "tuyên bố Singapore", trong đó kêu gọi mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên để tiến tới hòa bình vĩnh viễn, phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Phát biểu tại Singapore vào tháng 6/2018, ông Trump nói mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tạo ra sự khác biệt. 

Nhưng những gì diễn ra gần 3 năm qua không cho thấy điều đó. 

Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ bất cứ loại vũ khí hạt nhân nào và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn đang được đẩy mạnh. Trong vài năm qua, Bình Nhưỡng tăng gần gấp đôi nguồn cung cấp nhiên liệu có thể phát triển thành vũ khí hạt nhân. 

Thay đổi hướng đi

Theo Siegfried S. Hecker, cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico, các chính sách với Triều Tiên của các Tổng thống Mỹ trước đây đã thất bại. 

Năm 2000, vào thời kỳ cuối của chính quyền Clinton, Bình Nhưỡng không có vũ khí hạt nhân. Năm 2008, vào cuối thời Bush nắm quyền, Triều Tiên có từ 4-6 vũ khí hạt nhân. Con số này tới những năm cuối Obama tại nhiệm là 25 trước khi nhảy vọt lên 45, thậm chí là 60 vào năm 2020. 

"Trừ khi chính quyền Biden thay đổi hướng đi, Triều Tiên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, mức độ tinh vi và tầm bắn của kho vũ khí hạt nhân của mình”, ông Hecker nói. 

Các chuyên gia nhận định mục tiêu tới đây của Bình Nhưỡng là mở rộng kho vũ khí lên hơn 100 vũ khí. 

Trong một báo cáo gần đây, Brad Roberts - một cựu quan chức Lầu Năm Góc nói rằng Triều Tiên nhìn chung đã đạt tới một giai đoạn mới quan trọng - một quốc gia hạt nhân được vũ trang mạnh mẽ. 

Nếu chính quyền Biden không có cách tiếp cận mới, Triều Tiên sẽ tiếp tục mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình. (Ảnh: AP)

"Để ngăn chặn chiến tranh và sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn luôn ở đó", ông này nói. 

Trong những năm Trump nắm quyền, các chuyên gia nhận thấy Triều Tiên kiềm chế chương trình tên lửa tầm xa nhưng đẩy mạnh phát triển đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường.

Các nhà phân tích cho rằng các mô hình mới với độ chính xác cao hơn, cơ động hơn có thể giúp đầu đạn của Bình Nhưỡng vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ trong khu vực.

Theo giới quan sát, Triều Tiên không hề đơn độc trong nỗ lực phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình. Họ còn có sự trợ giúp âm thầm của Trung Quốc. 

Các quan chức Mỹ nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh giúp Triều Tiên đánh cắp tiền để tài trợ cho chương trình hạt nhân của nước này thông qua tội phạm mạng. 

Báo cáo được công bố hồi đầu năm của một hội đồng chuyên gia Liên hợp quốc cho thấy tin tặc Triều Tiên đánh cắp 316,4 triệu USD từ năm 2019 tới tháng 11/2020. Các loại tiền điện tử bị đánh cắp được rửa thông qua các nhà môi giới Trung Quốc. 

Nhiều chuyên gia tin rằng thành quả của các vụ trộm này là khoản tài trợ quan trọng nhất cho nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.  

Song Hy

Tin mới