Dù đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM khẳng định lãi suất đang thấp nhất từ trước đến nay, và chính quyền cùng các ngân hàng đang có hàng loạt gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ, song tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố ngày 14/6, nhiều doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn.
Có doanh nghiệp lớn còn cho rằng khó xoay vòng trả nợ, gọi ngân hàng đề nghị được gia hạn, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, nhưng ngân hàng nào cũng né.
'Tôi gọi ngân hàng nào cũng né'
Chia sẻ những khó khăn thực tại của doanh nghiệp về vốn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến thủy sản Khánh Trang, cho biết rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn với nhiều lý do, trong đó có thiếu tài sản thế chấp, tiến độ giải ngân của ngân hàng chậm, nếu vay được thì lãi cao.
Ông Tuấn kiến nghị NHNN nghiên cứu, có phương án để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, vực dậy sản xuất kinh doanh. Có thể tính toán phương án vay tín chấp với các doanh nghiệp tốt nhưng hết tài sản thế chấp. Phải làm sao để doanh nghiệp được vay vốn, nguồn vốn dù là nhỏ nhưng sẽ giúp họ xoay sở làm ăn.
Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến thủy sản Khánh Trang, ông Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị phải có chính sách để doanh nghiệp được vay vốn, xoay sở làm ăn. (Ảnh: P. Quốc)
Đây cũng là chia sẻ của ông Trần Văn Lâm, đại diện doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Ông Lâm nói nhiều doanh nghiệp hiện nay rất lận đận về vốn, không xoay sở được. Khi doanh nghiệp bị đứng dòng tiền thì đàm phán rất khó. NHNN cần có giải pháp cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp hơn.
Trong khi đó, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp thép TP.HCM, cho rằng câu chuyện khó vay vốn hiện nay của doanh nghiệp cần nhìn nhận nhiều khía cạnh, trong đó có vướng mắc từ chính doanh nghiệp. Điều ông quan tâm là câu chuyện cơ cấu cấu nợ, giãn nợ cũng đang gặp khó.
Theo ông Khương, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, tức tới hết năm 2024, theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều này là rất kịp thời, giúp doanh nghiệp đỡ vất vả trong hoàn cảnh hàng làm ra vẫn khó bán để xoay vòng vốn vừa trả nợ, vừa tiếp tục đảm bảo sản xuất như hiện nay.
"Tôi thấy Thông tư 02 được gia hạn, tôi gọi các ngân hàng thì ngân hàng nào cũng né, không muốn triển khai. Họ thấy mình cố được thì họ buộc mình phải cố, phải xoay mọi cách để trả nợ. Nhưng chúng tôi không đủ dòng tiền do hàng bán không được. Có khi doanh nghiệp phải vay ngoài để trả nợ, vay nóng để đảo nợ rất vất vả. Nhưng nếu không trả nợ đúng hạn thì bị nợ xấu", ông Khương nói.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, chủ trương của NHNN rất đúng, nhưng việc triển khai chưa đồng nhất. Ông cũng nói rằng các ngân hàng thương mại quý nào cũng báo lời rất tốt, rất lớn.
"Nếu các ngân hàng đang có lời nhiều thì chia sẻ với doanh nghiệp, để doanh nghiệp tốt lên, bớt khó hơn. Kiểu như người cho thuê mặt bằng trong khó khăn họ giảm giá cho thuê để người kinh doanh đỡ khó, sao ngân hàng không làm vậy. Ngân hàng thương mại nên tính toán, chia sẻ thêm với doanh nghiệp", ông Khương nói.
Doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn ngân hàng dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. (Ảnh minh họa: Lương Ý)
Giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, việc cho vay phải thực hiện đúng nguyên tắc, điều kiện tín dụng thì mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn, hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh; đảm bảo hiệu quả, ý nghĩa của đồng vốn, tạo dòng tiền cho tăng trưởng.
Lãi suất giảm rất sâu
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM khẳng định lãi suất hiện nay đã giảm rất sâu, về mức thấp hơn thời điểm ổn định trước đại dịch COVID-19.
Ngay từ đầu 2024, Chính phủ, NHNN đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế. NHNN đã ban hành loạt chính sách hỗ trợ lãi suất, như cho vay ưu đãi 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên với doanh nghiệp nhỏ và vừa lãi suất không quá 4%/năm; tiếp tục duy trì chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ (kéo dài Thông tư 02)...
Các ngân hàng cũng chủ động đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
"Lãi suất thấp, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, mà rõ ràng cũng kích thích doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh", ông Lệnh nói.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh khẳng định doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn về vay vốn gọi ngay đường dây nóng về NHNN sẽ được hỗ trợ. (Ảnh: P. Quốc)
Tại TP.HCM, nổi bật nhất là các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động xây dựng các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp qua chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, quy mô gói này được xây dựng ngay từ đầu năm, với quy mô trên 500.000 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm đã giải ngân khoảng trên 207.000 tỷ đồng, bằng 40% quy mô gói. Thống kê, có 70.000 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên và cho vay lĩnh vực xuất khẩu.
Một gói tín dụng hiệu quả khác là gói ưu đãi lâm sản, thủy sản, để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay với lãi suất thấp hơn bình quân thị trường 1-2%, quy mô gói ban đầu là 15.000 tỷ đồng, nhưng đang giải ngân tốt và dự kiến quy mô gói này có thể có tăng 30.000 tỷ đồng. Riêng địa bàn TP.HCM, dù lĩnh vực này không phải ưu thế nhưng con số giải ngân đã đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Thời gian qua, NHNN chi nhánh TP.HCM cùng các ngân hàng cũng gặp gỡ, xử lý hỗ trợ trên 1.000 trường hợp doanh nghiệp có phản ánh, yêu cầu về NHNN. Các kiến nghị được giải quyết bằng nhiều cách, trong đó có những cuộc gặp 3 bên: NHNN, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Từ đó đã xác định được nguyên nhân khó khăn trong việc tiếp cận vốn và tháo gỡ kịp thời.
5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1,93%. Theo ông Lệnh, con số này không cao như kỳ vọng, nhưng đặt trong cùng kỳ năm 2023 thì tăng trưởng đang tốt hơn, là cơ sở cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Đây là điểm sáng ngành ngân hàng đang tiếp tục phát huy, với phương châm doanh nghiệp tốt rồi thì hỗ trợ để họ tiếp tục phát triển, doanh nghiệp khó khăn thì hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn về những khó khăn khi tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, có thể gọi ngay số điện thoại: (028) 38.211.230.