Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia hôm 26/6 thừa nhận họ đang gặp rất khó khăn khi phải đối phó với tình trạng cướp xác bệnh nhân.
Hôm 26/6, hơn 100 thành viên một gia đình và hàng xóm ở thành phố Ambon, tỉnh Maluku chặn một xe cứu thương được 2 sỹ quan cảnh sát hộ tống khi chiếc xe này đang trên đường đưa thi thể của một cựu nghị sĩ 58 tuổi tới chôn cất ở khu vực được chỉ định cho người mắc COVID-19.
Indonesia phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong giai đoạn chuyển sang trạng thái bình thường. (Ảnh: JK)
Đám đông tìm cách khống chế 2 sỹ quan cảnh sát để lấy xác đi và để lại quan tài trên phố.
Trong một vụ việc khác ở Surabaya, Đông Java hồi đầu tháng, người thân một phụ nữ chết vì COVID-19 tới nhà xác của bệnh viện, lấy xác của bệnh nhân đưa về nhà.
Khi các nhân viên y tế cùng nhân viên an ninh của bệnh viện tới nhà người phụ nữ để nhắc nhở người thân bệnh nhân tuân thủ đúng quy trình chôn cất cho người mắc COVID-19, họ bị đuổi về.
4 người con trai của người phụ nữ này sau đó được xác nhận mắc COVID-19. Họ đang phải đối mặt với án tù 5 năm vì vi phạm luật dịch bệnh, luật kiểm dịch.
"Các trường hợp thành viên gia đình cưỡng chế thi thể bệnh nhân nghi mắc COVID-19 là một trong những lý do khiến số ca bệnh tại Đông Java tiếp tục gia tăng", người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Indonesia, ông Doni Monardo cho hay.
Tính tới hết 26/6, Đông Java ghi nhận hơn 10.000 ca mắc COVID-19 trong tổng số 40 triệu dân.
Ở Pekanbaru, tỉnh Riau, các tiểu thương buôn bán tại các khu chợ ẩm ướt quyết định đóng cửa hàng sau khi các nhân viên y tế đi quanh chợ làm xét nghiệm. Tình trạng tương tự xảy ra ở Jakarta. Các tiểu thương ở thủ đô Indonesia lo lắng sẽ bị cấm buôn bán trong nhiều tuần nếu được xác định mắc COVID-19.
Nhiều khu vực ở Indonesia, bao gồm Jakarta trong tháng này đang nới lỏng các biện pháp chống dịch. Trong giai đoạn chuyển tiếp sang trạng thái bình thường, các văn phòng, nơi thờ cúng và các trung tâm mua sắm đang dần được mở cửa trở lại với các hướng dẫn nghiêm ngặt về sức khỏe, bao gồm hoạt động ở mức 50% công suất và đảm bảo mọi người duy trì khoảng cách 1m.
Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 51.427 ca bệnh và 2.683 người thiệt mạng.