Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama, LLM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2021 với nhiều khoản lỗ ròng gần 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 7,5 tỷ đồng.
Lilama gặp nhiều khó khăn khi doanh thu sụt giảm, lợi nhuận bị bào mòn. (Ảnh: LLM)
Doanh thu thuần của Lilama cũng giảm tới hơn 14% khi ghi nhận chỉ mức 2.428 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu sụt giảm, lợi nhuận gộp co hẹp, thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại phình to, ghi nhận mức hơn 97,2 tỷ đồng, tức tăng 23%.
Dù vốn chủ chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng nhưng Lilama đang gánh khoản nợ phải trả khổng lồ hơn 6.250 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn ở mức gần 1.480 tỷ đồng, nợ vay dài hạn trên 871 triệu đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,36 lần. Tính từ đầu năm, Lilama đã phải trả khoảng 61 tỷ đồng lãi suất vốn vay.
Khoản phải thu ngắn hạn cũng là điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính của Lilama. Với hơn 4.387 tỷ đồng, đây là mục có giá trị lớn nhất trong cơ cấu tài sản LLM (chiếm tỷ lệ 59,8%).
Tại thời điểm lập báo cáo, Lilama ghi nhận khoản dự phòng phải thu khó đòi hơn 1.263 tỷ đồng, chiếm 22,4% nguyên giá. Tỷ lệ trích lập dự phòng cao trên giá gốc khiến chất lượng các khoản phải thu còn lại bị đặt dấu hỏi.
Lilama là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, nhận nhiều kỳ vọng, song gần đây gặp nhiều khó khăn, liên tục thua lỗ. Những năm gần đây, dù đẩy mạnh tái cơ cấu, thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết, các khoản đầu tư tài chính không đem lại hiệu quả, song nhiều đơn vị thuộc LLM vẫn hoạt động kém hiệu quả, thậm chí lỗ lũy kế như Lilama 5, Lilama 7, Lilama 45.3, Lilama 45.4.
Trên thị trường, giá cổ phiếu Lilama ngày càng kém hấp dẫn khi sụt giảm 27,4% kể từ đầu năm. Theo đó, chốt phiên 17/9, mã LLM đứng mức 13.200 đồng/cổ phiếu, giảm 5.000 đồng mỗi cổ phiếu so hồi đầu năm. Với hơn 79,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Lilama bốc hơi khoảng 395 tỷ đồng.