Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khinh khí cầu do thám Trung Quốc đang làm gì trên bầu trời Mỹ

Tin tức Lầu Năm Góc theo dõi một thiết bị được cho là khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên không phận của Mỹ trong vài ngày qua đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Giới chức Mỹ cho biết đường bay của khinh khí cầu, lần đầu tiên được phát hiện ở Montana hôm 2/2, có khả năng đi qua “một số địa điểm nhạy cảm”.

Vì vậy, họ đang thực hiện các bước để “bảo vệ, chống lại hoạt động thu thập thông tin tình báo nước ngoài”, theo CNN.

Quả khinh khí cầu lơ lửng trên bầu trời Billings, Montana, vào ngày 1/2. (Ảnh: AP)

“Khinh khí cầu đang di chuyển ở độ cao cao hơn nhiều so với vùng giao thông hàng không thương mại và không gây ra mối đe dọa quân sự hay rủi ro với dân thường dưới mặt đất”, AP dẫn lời thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao khinh khí cầu lại được sử dụng thay vì vệ tinh để thu thập thông tin.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay đây không phải là lần đầu tiên khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện bay qua nước này, nhưng lần này dường như khác so với những lần trước.

“Có vẻ như nó xuất hiện trong một khoảng thời gian dài hơn… (và) ở lại lâu hơn so với các trường hợp trước. Đó sẽ là yếu tố khác biệt”, quan chức này nói.

Tại sao khinh khí cầu lại được sử dụng?

Việc sử dụng khinh khí cầu cho mục đích trinh sát và do thám đã phổ biến từ Thế chiến II.

Peter Layton, thành viên tại Viện châu Á Griffith và là cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, cho biết kể từ thời kỳ đó, Mỹ đã sử dụng hàng trăm khinh khí cầu để theo dõi các đối thủ của mình.

Nhưng với sự ra đời của công nghệ vệ tinh hiện đại cho phép thu thập dữ liệu tình báo từ không gian, việc sử dụng khinh khí cầu giám sát đã lỗi thời.

Trung Quốc có một số vệ tinh trên quỹ đạo, cách Trái Đất khoảng 480 km. Giới chức Mỹ cho biết những vệ tinh do thám của Trung Quốc có thể chụp ảnh và giám sát các vụ phóng tên lửa, giống như Mỹ.

Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong việc thu nhỏ thiết bị điện tử khiến mọi thứ dường như dần thay đổi.

“Trọng tải của khinh khí cầu giờ đây có thể nhẹ hơn và do đó, nó có thể nhỏ hơn, rẻ hơn và dễ phóng hơn” so với các vệ tinh, ông Layton cho biết.

Blake Herzinger, chuyên gia về chính sách quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, chia sẻ mặc dù tốc độ chậm nhưng khinh khí cầu không phải lúc nào cũng dễ dàng bị phát hiện.

“Chúng có dấu hiệu nhận dạng thấp và lượng phát thải hầu như bằng 0. Vì vậy rất khó để nhận biết tình huống hay giám sát bằng công nghệ”, Herzinger cho biết.

Bên cạnh đó, khinh khí cầu có thể làm một số việc mà vệ tinh không thể.

“Các hệ thống dựa trên không gian cũng hoạt động tốt, nhưng chúng dễ bị dự đoán hơn về quỹ đạo”, ông Layton nói.

“Một lợi thế của khinh khí cầu là đường bay của chúng có thể được điều khiển thông qua những tính toán bằng máy tính để tận dụng sức gió và chúng có thể lên xuống ở một mức độ hạn chế. Điều này có nghĩa là chúng có thể ‘bay lảng vảng' một mức độ hạn chế”, ông cho hay.

“Trong khi đó, một vệ tinh không thể di chuyển chậm xung quanh hoặc đứng ở một chỗ, vì vậy sẽ cần tới nhiều vệ tinh để quét chéo qua khu vực được quan tâm nhằm duy trì sự giám sát”, ông nói thêm.

Khinh khí cầu đang theo dõi cái gì?

Theo ông Layton, khinh khí cầu nghi của Trung Quốc có khả năng thu thập thông tin về các hệ thống liên lạc và radar của Mỹ.

“Một số hệ thống này sử dụng tần số cực cao trong phạm vi ngắn, có thể bị khí quyển hấp thụ”, ông nói. “Khinh khí cầu có thể là cơ sở thu thập các kỹ thuật cụ thể như vậy hơn tốt hơn là vệ tinh”.

Đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Cedric Leighton cũng có suy nghĩ tương tự.

“Họ có thể thu thập tín hiệu tình báo, nói cách khác, họ đang xem lưu lượng điện thoại di động, lưu lượng radio của chúng tôi”, ông Leighton nói.

Ông Layton cho biết dữ liệu tình báo do khinh khí cầu thu thập có thể được chuyển tiếp theo thời gian thực thông qua một liên kết vệ tinh quay trở lại Trung Quốc.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng Montana và các bang lân cận là nơi đặt các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời là căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

"Rõ ràng mục đích của khinh khí cầu này khi được triển khai là để giám sát. Đường bay hiện tại đã đưa nó qua nhiều địa điểm nhạy cảm", một quan chức Mỹ nói.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng khinh khí cầu này vẫn chưa gây ra mối đe dọa tình báo đặc biệt nguy hiểm.

Các quan chức Mỹ cho biết họ đã hành động để đảm bảo khinh khí cầu không thể thu thập bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào.

Washington đã theo dõi khinh khí cầu này kể từ khi nó đi vào không phận Mỹ vài ngày trước, trong đó có cả việc giám sát bằng máy bay quân sự có người lái.

Theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ đã cân nhắc việc bắn hạ khinh khí cầu nói trên. Nhưng họ quyết định không bắn hạ nó vì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản do các mảnh vỡ rơi xuống, AFP đưa tin.

Tuy nhiên, ông Layton nói thêm nếu Mỹ có thể hạ khinh khí cầu trong lãnh thổ của mình mà không phá hủy nó thì khinh khí cầu có thể tiết lộ một số bí mật của chính nó.

Nguồn:

Tin mới