Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hầm Hải Vân 2 hoàn thành là dấu mốc quan trọng. Đây là hầm giao thông đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là 1 trong 30 hầm lớn nhất trên thế giới. Thông xe công trình hầm Hải Vân cải thiện cơ bản giao thông qua lại trên đoạn đường nguy hiểm này, mang lại lợi ích rất to lớn về kinh tế, quốc phòng-an ninh.
Lễ cắt băng khánh thành hầm Hải Vân 2.
"Đây là công trình lớn, có kỹ thuật công nghệ phức tạp được Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện đã khẳng định năng lực đầu tư cũng như về kỹ thuật, công nghệ thi công đường hầm của các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi biểu dương sự nỗ lực của Bộ GT-VT, đặc biệt là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành công trình", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ GT-VT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với các bộ, ngành để quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân 2 an toàn, thông suốt cũng như giải quyết các vướng mắc về nguồn kinh phí của công trình này.
Hầm Hải Vân 2 nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả, bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỷ đồng.
Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có chiều dài phần hầm 6,2 km (2 làn xe rộng 7 m), đường dẫn phía Bắc 1,7 km và đường dẫn phía Nam 4 km, là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á.
Nghi thức thông hầm Hải Vân 2.
Hầm Hải Vân 2 được khởi công tháng 4/2016, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn một nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017.
Giai đoạn 2 thi công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công, vượt tiến độ 3 tháng, được Bộ Giao-thông Vận tải chấp thuận.