Trước sự ngạc nhiên của giới khoa học, ông Nguyễn Quốc Hòa đã chế tạo thành công tàu ngầm Trường Sa với công nghệ khí tuần hoàn độc lập (AIP).
Việt Nam được đánh giá là một dân tộc có sức sáng tạo lớn, cần cù, thông minh. Đây là nguồn sức mạnh vô tận để phát triển kinh tế xã hội. Nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sức sáng tạo của người Việt đang được phát huy mạnh mẽ.
Điển hình là những sáng chế của nhiều nhà khoa học không chuyên mang lại giá trị gia tăng cao thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế…
Các sáng chế này đã thể hiện rõ tầm quan trọng của bộ phận của các nhà khoa học không chuyên, nhưng có sức sáng tạo lớn và có tâm huyết với nền khoa học và công nghệ nước nhà.
Tiêu biểu như sản phẩm tàu ngầm Trường Sa của nhà sáng chế Nguyễn Quốc Hòa ở tỉnh Thái Bình, một trong 63 nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu năm 2015 được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh.
Ông Hòa bên trong tàu ngầm do chính mình thiết kế. |
Tàu ngầm của người Việt
Trước sự ngạc nhiên của giới khoa học, ông Nguyễn Quốc Hòa đã chế tạo thành công tàu ngầm Trường Sa với công nghệ khí tuần hoàn độc lập (AIP).
Tàu ngầm có chiều dài 9m, cao 3m, được trang bị hai động cơ diezel 90Hp, hoạt động bằng hệ thống không khí độc lập tuần hoàn. Tốc độ thiết kế tối đa là 40km/giờ; bán kính hoạt động 800km; thời gian lặn 15 giờ; độ sâu lặn tối đa 50m.
Ngày 28/3/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa đã tự tay điều khiển chiếc tàu của mình thử nghiệm việc di chuyển trên mặt hồ Tân Bình, thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Trà, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Hồ có diện tích khoảng 3ha, sâu khoảng 2,5-3m nên tàu ngầm không thể tiến hành lặn thử mà chỉ có thể di chuyển xung quanh mặt hồ theo mục tiêu đặt ra trước đó.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ chạy thử nghiệm với khoảng 6 vòng quanh mặt hồ đã cho kết quả thành công hoàn hảo, khi hệ thống bánh lái, chân vịt, điện tử bên trong tàu đều hoạt động ổn định.
Tàu ngầm Trường Sa đã thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cũng cử người xuống xem xét, đánh giá và cho biết sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật cũng như nguồn vốn để tàu ngầm được hoàn thiện nhất.
Ông Hòa chia sẻ: “Việt Nam là một quốc gia biển nhưng lại khai thác tài nguyên trên mặt nước quá nhiều, khiến nguồn tài nguyên dần cạn kiệt.
Trong khi đó, nguồn tài nguyên dưới đáy biển lại chưa được khai thác và nghiên cứu sâu. Sở dĩ chưa làm được điều này vì Việt Nam chưa có các thiết bị, công nghệ hiện đại.
Bởi vậy, cần phải chế tạo ra con tàu ngầm hoặc tàu lặn để có thể phát triển kinh tế phục vụ khoa học nghiên cứu đáy biển, thậm chí phục vụ việc bảo vệ chủ quyền đất nước.”
Để tìm ra công nghệ phù hợp cho việc nghiên cứu chế tạo tàu ngầm, ông Hòa và đồng nghiệp đã tham khảo thông tin trên Internet, tìm đọc các tạp chí khoa học thế giới để nghiên cứu và áp dụng vào thực tế của Việt Nam.
Nhưng theo ông Hòa, nếu cứ rập khuôn theo công nghệ của thế giới, khó có thể thực hiện được.
Sau một thời gian tìm hiểu, ông Hòa và nhóm cộng sự đã sử dụng công nghệ khí tuần hoàn độc lập. Đây là công nghệ tuyệt vời cho việc lựa chọn thiết kế tàu ngầm.
Theo ông, với công nghệ này, động cơ diezel có thể nổ máy được dưới nước mà không cần phải nổi lên trên để lấy không khí như các máy nổ diezel bình thường; đồng thời công nghệ chạy không khí tuần hoàn độc lập sẽ giúp kéo dài thời gian lặn của tàu ngầm.
Hiện tại, ông Hòa và nhóm cộng sự đang làm việc với Bộ Quốc phòng và lực lượng Hải quân để thử nghiệm trong thời gian tới.
Ông Hòa hy vọng công tác chuẩn bị sẽ nhanh chóng được hoàn tất và con tàu Trường Sa sẽ được mang ra chạy thử nghiệm ở giai đoạn tiếp.
Video: Sức mạnh tàu ngầm hạt nhân Kilo
Phát huy tối đa tinh thần sáng tạo Việt
Tại buổi gặp mặt 63 nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đề xuất nguyện vọng của mình tại buổi gặp mặt này, ông Hòa mong muốn trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính có những giải pháp và thủ tục đơn giản để tạo nguồn vốn ban đầu cho các nhà sáng chế không chuyên như ông thực hiện ý tưởng.
Ông bày tỏ: “Đối với các nhà sáng chế không chuyên, nguồn kinh phí ban đầu để chế tạo thử nghiệm là rất tốn kém, có khi phải bán cả nhà đi mới thực hiện được. Nếu nguồn vốn ban đầu được Nhà nước hỗ trợ sẽ giúp các nhà sáng chế yên tâm nghiên cứu, sáng tạo hơn.”
Không chỉ nghiên cứu thiết kế tàu ngầm Trường Sa, ông Hòa và cộng sự vẫn đang nghĩ và ấp ủ việc tiếp tục thiết kế một thiết bị chuyên dụng để phục vụ ý tưởng khảo sát và khai thác tiềm năng dưới đáy biển Việt Nam.
Dù chưa thực sự hoàn thiện nhưng tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa và cộng sự đã tạo tiếng vang lớn trong ngành khoa học và công nghệ, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của các nhà khoa học không chuyên, những người có rất nhiều ý tưởng táo bạo đang muốn đóng góp cho nền khoa học công nghệ nước nhà.