Video: Cận cảnh bãi cọc vừa phát lộ ở Hải Phòng nghi liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng
Bãi cọc vừa phát lộ ở huyện Thủy Nguyên. (Ảnh: Nguyễn Huệ)
Đồng thời, UBND TP Hải Phòng cũng giao UBND huyện Thủy Nguyên chỉ đạo UBND xã Lại Xuân và các cơ quan chức năng có phương án bảo vệ hiện vật và chủ động phối hợp các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành thực hiện các nội dung công việc theo quy định.
Ông Lê Văn Quý cho biết thêm, do tính khẩn thiết, cấp bách của công việc nên không có gì thay đổi thì rất có thể ngay ngày mai (20/2), Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, chính quyền huyện Thủy Nguyên và các cơ quan liên quan sẽ tổ chức khai quật bãi cọc này.
“Bãi cọc nằm trong ao của hộ dân nên nếu mình không làm ngay, họ đào lên và vứt đi thì gay go” – ông Quý chia sẻ.
1/13 chiếc cọc vừa phát lộ. (Ảnh: Nguyễn Huệ)
Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, ngày 9/2, gia đình ông Đào Văn Đến (thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao sau khi bơm nước để thu hoạch cá.
Ngày 12/2, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ và thấy rằng, các cọc gỗ nói trên có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 tại Hải Phòng.
Khu vực phát hiện cọc gỗ nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Khu vực này cũng là ao nuôi cá của gia đình ông Đào Văn Đến. Một số cọc có dấu hiệu bị hủy hoại như: các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá.
Đặc biệt, gia đình ông Đến đang hút bùn, cải tạo mặt đáy để nuôi cá, nếu không kịp thời tổ chức khai quật khẩn cấp thì những di tích cọc gỗ trên sẽ bị hủy hoại và không thể nghiên cứu đánh giá tổng thể trận chiến trên sông Bạch Đằng, cũng như đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị đối với các di tích cọc gỗ tại khu vực Đầm Thượng, xã Lại Xuân (Thủy Nguyên, Hải Phòng).