Văn phòng mô tả đây là "cuộc khủng hoảng phút chót" do lực lượng Hamas gây ra.
Tuyên bố trên cáo buộc Hamas đã vi phạm một số phần của thỏa thuận nhằm "đòi hỏi những nhượng bộ vào phút chót". Các chi tiết cụ thể về những thay đổi bị cáo buộc không được tiết lộ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo dự kiến ban đầu, nội các Israel sẽ được triệu tập để phê chuẩn thỏa thuận trong ngày 16/1. Tuy nhiên, với động thái trên dường như đang báo hiệu căng thẳng gia tăng mới. Một thỏa thuận tiềm năng để giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Israel – Hamas đang phải đối mặt với sự không chắc chắn để có thể triển khai trên thực tế.
Trước đó vào rạng sáng 16/1 theo giờ Việt Nam, Qatar và Mỹ, hai bên trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, đã thông báo chính thức về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và lực lượng Hamas.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Doha, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani cho biết việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn sẽ bắt đầu từ ngày 19/1. Theo đó, Hamas sẽ trả tự do cho 33 con tin trong giai đoạn đầu tiên, kéo dài trong 6 tuần, để đổi lấy việc Israel trả tự do cho những người Palestine đang bị bắt giữ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chính thức công bố về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas và cho biết đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump để đạt được sự đồng thuận khi phần lớn thỏa thuận sẽ được thực thi dưới thời chính quyền mới của ông Trump.
Ngay sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump để cảm ơn những nỗ lực của Washington trong việc đạt được thỏa thuận.
Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước trên thế giới đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza đồng thời coi đây là bước tiến quan trọng trong việc duy trì ổn định ở khu vực Trung Đông.