Hôm 28/2, Iran từ chối đề nghị từ Liên minh châu Âu (EU) để tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với EU và Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran. Về nguyên tắc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp nhận làm việc với Iran về vấn đề này.
“Trên cơ sở lập trường và hành động gần đây của Mỹ và các nước châu Âu, Iran không cần phải tính đến thời điểm thích hợp để tổ chức các cuộc họp do điều phối viên châu Âu đề xuất”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết.
Theo ông Khatibzadeh, bước đi đầu tiên cần thiết là chính quyền Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, cho rằng hiện “chưa có sự thay đổi về lập trường và hành vi của Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Biden vẫn tiếp tục “chính sách gây áp lực tối đa với Iran vốn đã thất bại dưới thời Trump”.
Iran chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân với Mỹ. (Ảnh: AP)
Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cũng cho rằng, "Iran sẽ trả lời bằng hành động, sẽ đáp lại các hành vi thù địch theo cách tương tự. Tehran cũng sẽ thực thi các cam kết phù hợp với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Trước phản ứng của Iran, Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Mặc dù chúng tôi thất vọng về phản ứng của Iran, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác bằng chính sách ngoại giao có ý nghĩa để hai bên quay trở lại đàm phán, sớm tuân thủ các cam kết trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA)”.
Chính quyền Biden đã phát tín hiệu sẵn sàng khôi phục thỏa thuận hạt nhân P5+1 với Iran song nhấn mạnh trước hết Iran phải thực thi nghiêm túc tất cả các cam kết hạt nhân của mình. Trong khi đó, Tehran yêu cầu Washington thực hiện bước đầu tiên bằng cách hủy bỏ các lệnh trừng phạt.
Hầu hết các cam kết của Iran trong thỏa thuận P5+1 đã bị đình chỉ để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Tuyên bố của Iran được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của EU, giám sát thỏa thuận hạt nhân kêu gọi nỗ lực phối hợp để phục hồi thỏa thuận. “Đây là dịp mà chúng ta không thể bỏ lỡ để hồi sinh thỏa thuận JCPOA năm 2015”, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết hôm 26/2.
Các nhà ngoại giao cho rằng, vẫn có hy vọng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bất chấp việc Iran từ chối đề nghị của EU và cho rằng việc từ chối có thể nhằm đạt được đòn bẩy đàm phán.