Hôm 4/7, Bloomberg đưa tin, Iran buộc phải giảm giá dầu thô vốn đã rẻ của nước này xuống mức thấp hơn để cạnh tranh với dầu của Nga tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hứng chịu các đòn trừng phạt, Iran có ít lựa chọn cho các lô hàng dầu thô của mình hơn so với Nga.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5, vượt qua Ả Rập Xê-út trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.
Iran và Nga đang cạnh tranh gay gắt trong việc cung cấp dầu sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Theo người sáng lập công ty phân tích về thị trường dầu mỏ Vanda Insights (Singapore), Vandana Hari, dầu thô Urals của Nga cũng bắt đầu thay thế dầu từ Iran.
"Sự cạnh tranh duy nhất giữa các thùng dầu của Iran và Nga có thể sẽ diễn ra ở Trung Quốc, điều này sẽ hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vùng Vịnh sẽ phải lo lắng trước nguy cơ mất thị trường trong bối cảnh giá dầu thô mạnh”, chuyên gia Vandana Hari cho hay.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, nước này chỉ liệt kê 3 tháng nhập khẩu dầu từ Iran kể từ cuối năm 2020, hai trong số đó là vào tháng 1 và tháng 5. Tuy nhiên, số liệu từ công ty phân tích Kpler cho thấy dòng dầu thô Iran xuất sang thị trường Trung Quốc duy trì ổn định trên 700.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6.
Bloomberg dẫn nguồn cho biết, dầu Iran đã được định giá thấp hơn gần 10 USD/thùng so với dầu Brent, ngang bằng với dầu Urals - dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào tháng tới. Mức giá này cho thấy dầu của Iran đã giảm khoảng 4 - 5 USD/thùng so với thời điểm tháng 2.
Iran là quốc gia chiếm 1/4 trữ lượng dầu mỏ ở Trung Đông. Nước này hiện bị Mỹ và các đồng minh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn do chương trình phát triển hạt nhân. Iran vẫn xuất khẩu dầu thô, trong đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.
Mặc cho các lệnh trừng phạt, tháng trước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết, xuất khẩu dầu của Tehran tăng gấp đôi kể từ năm ngoái.
Mới đây, Chính phủ Pháp muốn thay thế dầu thô Nga bằng cách cho phép dầu thô bị trừng phạt từ Iran và Venezuela quay trở lại thị trường toàn cầu. Tuyên bố của Pháp được đưa ra trong bối cảnh nhóm các quốc gia G7, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật Bản đang gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga với hy vọng buộc Moskva dừng hoạt động quân sự ở Ukraine.