Đối với nhiều người, lá húng chanh là loại rau gia vị thân thuộc không thể thiếu trong gian bếp. Tuy nhiên, khi nói đến công dụng thảo dược của nó thì nhiều người vẫn còn chưa biết rõ. Vậy, húng chanh có tác dụng gì?
Tổng quan về cây húng chanh
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, húng chanh (Coleus crassifolius Benth) là dạng cỏ cao khoảng 25 - 75cm, lá hình bầu dục có lông và mọc đối nhau, hoa màu tím mọc sát nhau.
Do chứa chất carvacrol nên húng chanh có tinh dầu thơm dịu nhẹ. Ở nước ta, húng chanh vừa được khai thác dưới dạng thảo dược vừa được dùng như loài rau gia vị trong các bữa ăn thường ngày.
+ Bộ phận dùng
Thông thường, các nhà dược liệu thường sử dụng lá cây húng chanh làm thuốc điều trị bệnh.
+ Thu hái, chế biến và bảo quản
Thu hái: Có thể thu hoạch lá húng chanh sau 1 tháng trồng. Sau khi hái chỉ cần bón phân và tưới nước đầy đủ, cây có thể cho lá quanh năm.
Chế biến: Dùng lá hay cành húng chanh non đem rửa sạch và dùng, hoặc cũng có thể dùng lá đã phơi khô.
Bảo quản: Đối với lá húng chanh khô cần được bảo vệ ở nơi khô mát.
+ Thành phần hóa học
Cây húng chanh chứa hoạt chất màu đỏ colein và tinh dầu Carvacrol. Ngoài ra, húng chanh rất giàu hàm lượng beta carotene, vitamin K và acid ascorbic.
Húng chanh có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người.
Húng chanh có tác dụng gì?
Dưới đây là những tác dụng của cây húng chanh đã được chứng minh:
Giảm viêm họng
Bài viết trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, hoạt chất bên trong lá húng chanh tương tự một loại kháng sinh tự nhiên tác dụng sát khuẩn tốt, loại bỏ chất nhầy, đờm và các tác nhân gây viêm nhiễm vòm họng.
Lá húng chanh tươi rửa sạch, cắt nhỏ, thêm một ít đường phèn rồi đem chưng cất thủy, sau đó vắt lấy nước uống. Còn bã lá húng chanh có thể ăn hoặc ngậm nuốt cùng với nước. Mỗi ngày sử dụng 1 lần, nó sẽ có hiệu quả nếu dùng liên tục từ 3–5 ngày.
Giảm sốt
Húng chanh giúp hạ sốt. Ngoài ra, còn giúp ra mồ hôi, loại bỏ độc tố qua da và tăng nhanh quá trình phục hồi.
Giã nát một ít lá húng chanh cùng với ít muối và chút nước sôi để nguội, rồi vắt lấy nước uống. Bã lá húng chanh để nguyên hoặc cho ít giấm hay rượu để thoa khắp cơ thể.
Ngừa ung thư và tốt với hệ tim mạch
Omega 6 trong húng chanh là loại axit béo có vai trò rất lớn đối với phòng ngừa ung thư, tăng cường cholesterol tốt để phòng tránh bệnh tim mạch đồng thời làm giảm các triệu chứng sưng đau ở bệnh viêm khớp dạng thấp.
Xua tan căng thẳng
Trong lá húng chanh có một số khoáng chất và hợp chất hữu cơ tác dụng an thần nhẹ. Có thể dùng lá của loại cây này để hãm trà uống khi bị căng thẳng, lo lắng, bồn chồn,... để có được cảm giác thư giãn và giấc ngủ ngon hơn.
Làm đẹp da
Hợp chất chống viêm trong lá húng chanh giúp giảm sưng tấy, đỏ và loại bỏ tình trạng kích ứng, ngứa da. Không chỉ có vậy, loại cây này còn trị lành vết chích của côn trùng, hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến và chàm da tương đối hiệu quả.
Tăng lượng sữa mẹ
Ở Ấn Độ và một số vùng của Indonesia, người dân vẫn sắc loại cây này cho các bà mẹ mới sinh uống để tăng lưu lượng sữa mẹ.
Cải thiện chức năng thận
Cây húng chanh giúp lợi tiểu. Từ đó, nó giúp cơ thể đào thải các độc tố bằng cách kích thích đi tiểu.
Trên đây là những tác dụng của rau húng chanh với sức khoẻ. Tuy nhiên để dùng loại lá này như một dạng thảo dược tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có được những tư vấn hữu ích.