Sung là loại quả quen thuộc, dân dã. Sung tốt cho sức khoẻ và có giá rẻ nên được nhiều người yêu thích. Dưới đây là những tác dụng chữa bệnh của quả sung:
Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Theo bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân, từ xa xưa, quả sung được dùng như một vị thuốc điều trị thay thế cho những vấn đề liên quan đến tiêu hóa, nổi bật phải kể đến chứng táo bón.
Quả sung có khá nhiều chất xơ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hàm lượng chất xơ này sẽ làm mềm và bổ sung thêm một lượng lớn vào trong phân, làm giảm tình trạng táo bón hiệu quả.
Các chất xơ cũng đóng vai trò như một loại tiền sinh học hoặc cũng có thể là thức ăn cho các vi khuẩn lành mạnh bên trong đường ruột. Một nghiên cứu được thực hiện với 150 người bị tình trạng ruột kích thích đi kèm táo bón cho thấy, khi họ ăn khoảng 45g sung khô mỗi ngày thì các triệu chứng như đau, đầy hơi và cả táo bón giảm đi đáng kể.
Một nghiên cứu khác được thực hiện với 80 người cũng cho thấy, việc bổ sung thêm 300g bột sung mỗi ngày đều đặn trong 8 tuần sẽ làm cho tình trạng táo bón giảm đi đáng kể so với nhóm đối chứng.
Mụn nhọt, lở loét
Bài viết của thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, sung chín sao khô, tán bột rồi rắc lên tổn thương. Để đạt hiệu quả cao, trước đó có thể ngâm rửa tổn thương bằng nước sắc quả hay lá sung tươi, sau đó lau khô rồi rắc bột thuốc và băng lại.
Quả sung rất tốt cho sức khoẻ.
Ngoài ra, nhựa của thân cây hay quả sung xanh còn được dân gian dùng để chữa mụn nhọt và sưng vú.
Cách dùng cụ thể: Rửa sạch tổn thương, lau khô, dùng nhựa sung bôi trực tiếp vào nơi bị bệnh, sưng đỏ đến đâu thì bôi đến đó, bôi nhiều lần trong ngày. Để tránh bôi nhiều lần, có thể trộn nhựa sung với lá non, giã nát rồi đắp lên chỗ đau. Nếu mụn chưa có mủ thì đắp kín, nếu đã vỡ mủ rồi thì đắp để hở một chỗ bằng hạt ngô. Khi đã có mủ, muốn lấy ngòi ra thì giã thêm một củ hành với nhựa sung rồi đắp như trên, để hở miệng. Nếu sưng vú, đắp hở đầu vú.
Hỗ trợ sức khỏe mạch máu và tim
Tác dụng của sung còn giúp huyết áp và mỡ máu được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, sức khỏe của các mạch máu cũng được ghi nhận ở mức tốt hơn, đồng thời làm giảm tỷ lệ bị mắc phải các bệnh về tim mạch chuyển hóa.
Sau khi thực hiện một nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, chiết xuất từ quả sung có thể làm giảm huyết áp ở trên những con chuột với chỉ số huyết áp từ bình thường cho đến cao. Những nghiên cứu trên động vật cũng đã cho thấy cholesterol toàn phần được cải thiện đáng kể. Các cholesterol HDL và chất béo trung tính cũng ở trạng thái tốt hơn khi được bổ sung thếm chiết xuất lá của cây sung.
Thế nhưng một nghiên cứu thực hiện với 83 người trong khoảng 5 tuần có hàm lượng cholesterol LDL (xấu) cao thì việc bổ sung thêm 120g sung khô vào chế độ ăn hàng ngày đã ghi nhận kết quả như sau: Hàm lượng mỡ máu không có sự thay đổi so với nhóm thực hiện đối chứng.
Cho đến nay, chúng ta vẫn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để có thể phân tích và hiểu rõ được mối quan hệ của quả sung đối với sức khỏe của tim mạch.
Chữa Viêm họng
Sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng. Sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày.
Ho khan không có đờm
Sung chín tươi 50 - 100g gọt bỏ vỏ, đem nấu với 50 - 100g gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Có thể cho thêm ít nho khô hoặc đường phèn cho dễ ăn.
Viêm khớp
Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn. Sung tươi 2 - 3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn.
Với những thông tin được chia sẻ ở trên, chắc chắn bạn đã biết được những lợi ích bất ngờ mà loại quả này mang lại cho sức khỏe rồi phải không. Tác dụng chữa bệnh của quả sung đã được kiểm chứng qua nhiều nghiên cứu thực tế. Hy vọng, những nội dung trên sẽ có ích đối với bạn.