Thông tin này được tiết lộ trong phiên xét xử tại một tòa án Canada hôm 12/1 với sự xuất hiện của chồng bà Mạnh - Lưu Hiểu Tông.
Lưu thừa nhận biết việc Huawei từng thuê một chiếc Boeing 777 từ China Southern Airlines hồi tháng 5/2019 để đưa vợ mình về nước trước khi phán quyết của tòa án liên quan tới việc dẫn độ Mạnh được đưa ra. Các luật sự của Mạnh khi đó tự tin rằng phán quyết sẽ có lợi cho thân chủ của mình.
"Anh có biết về sự sắp xếp để đưa vợ anh, cô Mạnh trở về Trung Quốc nếu phán quyết của tòa án có lợi cho cô Mạnh", công tố viên John Gibb-Carsley hỏi Lưu trong phiên tòa hôm 12/1. Lưu sau đó xác nhận thông tin này.
Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu được mệnh danh là "công chua Huawei".(Ảnh: CBC)
Lưu nói thêm rằng, trước phiên tòa, Mạnh và các đồng nghiệp còn đăng tải một tấm ảnh chiến thắng. Nhưng Tòa án tối cao British Columbia, Canada hôm 27/5 ra phán quyết cho rằng vụ án của bà Mạnh phù hợp với tiêu chuẩn định danh tội phạm kép và việc dẫn độ bà Mạnh sẽ tiếp tục được xem xét.
Cùng với đó, nếu đội ngũ luật sư của bà Mạnh không chứng minh được Mỹ và Canada đã lạm dụng Hiệp định dẫn độ giữa hai bên thì nhiều khả năng bà Mạnh sẽ bị dẫn độ sang Mỹ.
Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ, sau đó bị cáo buộc gian lận vì đã lừa ngân hàng HSBC xử lý các giao dịch liên kết với Iran, khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Giám đốc tài chính 48 tuổi của Huawei được bảo lãnh tại ngoại nhưng phải đeo vòng theo dõi điện tử, sống tại dinh thự của mình ở Vancouver và kiên trì theo đuổi cuộc chiến chống dẫn độ sang Mỹ.
Các phiên điều trần sẽ tiếp tục cho tới khi tòa ra phán quyết cuối về việc Mỹ và Canada có lạm dụng trình tự dẫn độ hay không vào tháng 2/2021.
Dự kiến các phiên tranh tụng sẽ kết thúc vào tháng 4/2021.