Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hợp tác xã làm giàu với cây trồng địa phương

(VTC News) -

Thực hiện Đề án nông nghiệp tỉnh Cao Bằng, huyện Trùng Khánh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng mới 500 ha cây dẻ, loại hạt nổi tiếng thơm ngon đặc trưng của địa phương.

Năm nay huyện đã trồng mới 60 ha, nâng tổng diện tích cây dẻ lên gần 700 ha. Và Hợp tác xã Bích Loan là đơn vị tiên phong ươm giống kết hợp với kỹ thuật ghép cây dẻ đem lại hiệu quả cao.

Nhân rộng diện tích cây trồng đặc sản

Cây dẻ Trùng Khánh đã được triển khai nhiều giải pháp để nhân rộng diện tích, song do các hộ trồng theo hướng tự phát, nguồn giống tự gieo ươm, kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa theo quy trình dẫn đến sau nhiều năm trồng mà cây không cho thu hoạch hoặc chậm thu hoạch.

Vườn ươm của Hợp tác xã Bích Loan - đơn vị ươm giống cây dẻ bằng kỹ thuật ghép cây.

Trên thực tế, nếu ươm giống bằng hạt thì phải mất 2 năm mới có thể xuất đi trồng. Hợp tác xã Bích Loan là đơn vị chuyên làm vườn ươm cây dẻ ở thị trấn Trùng Khánh đã tiên phong ứng dụng ghép giống cây dẻ vừa tốn ít thời gian sinh trưởng, vừa cho cây bói quả nhiều hơn cây ươm hạt, tỷ lệ mọc trên 90%.

Sau 2 năm triển khai, hiện Hợp tác xã Bích Loan đã cải tạo, tích tụ đất canh tác với 1 ha, bao gồm cả vườn ươm và trồng các loại cây ăn quả. Trong đó, đơn vị tập trung vào ươm giống bằng kỹ thuật ghép hơn 2 vạn cây dẻ, số còn lại hơn 1 vạn cây ươm bằng hạt.

Đây là kết quả được nhân rộng từ đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây dẻ Trùng Khánh tại tỉnh Cao Bằng” do Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) triển khai tại Trùng Khánh từ năm 2018. Sau khi gieo hạt để có cây con làm gốc ghép thì chọn cây mẹ sai quả, cây khoẻ mạnh, phẩm chất hạt tốt. Sau khi ghép xong sẽ làm giàn che hoặc che phủ bằng nilon để tạo điều kiện cho cành ghép sinh trưởng.

Sau gần 3 năm trồng, hơn 2.000 cây dẻ của Hợp tác xã Bích Loan đã cho bói quả, số cây trồng sau một năm cũng sinh trưởng rất tốt, hiện đã cho ra hoa, cho thấy cây dẻ thích hợp với đất đồi, sườn đồi, đất nương rẫy cũ, vườn tạp, tơi xốp.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Bích Loan đã cung ứng hơn 2 vạn cây giống cho bà con nhân dân các xã, thị trấn để trồng theo dự án phát triển vùng nguyên liệu cây dẻ.

Huyện Trùng Khánh hiện có 700 ha dẻ, trong đó khoảng 200 ha cây dẻ lâu năm cho thu hoạch, chủ yếu trồng ở các xã: Chí Viễn, Ngọc Khê, Ðình Minh, Phong Châu, Ðình Phong, thị trấn Trùng Khánh...

Sau khi được lựa chọn là cây trồng mũi nhọn có nguồn gốc bản địa, HĐND huyện Trùng Khánh đã ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển. Trong năm 2022, toàn huyện đã trồng mới 100 ha cây hạt dẻ gắn với quảng bá du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.

Tại các xã vùng quy hoạch như Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Ngọc Côn, Ngọc Khê… đã giao chỉ tiêu trồng mới mỗi xã từ 15 - 30 ha với phương thức Nhà nước hỗ trợ giống, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Mở rộng phát triển cây kiệu - cây trồng có giá trị cao

Sau 2 năm đưa cây kiệu vào sản xuất tại 2 xã Trung Phúc và Đoài Dương bước đầu đem lại hiệu quả, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân, mở ra hướng triển vọng trong sản xuất nông nghiệp nơi đây.

Nông dân thu hoạch kiệu.

Mô hình liên kết sản xuất trồng kiệu được UBND xã Trung Phúc phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà được triển khai từ năm 2019. Người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, được tạm ứng giống, phân bón trả chậm, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Do vậy, diện tích và năng suất ngày càng tăng.

Đến năm 2022, diện tích kiệu tăng lên trên 41 ha tại 3 xã: Trung Phúc, Đoài Dương, Đức Hồng. Củ kiệu được trồng để doanh nghiệp xuất khẩu nên mọi quy trình kỹ thuật từ trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản được bà con ứng dụng nghiêm ngặt.

Tiềm năng đất canh tác ở Trùng Khánh còn rộng lớn. Việc phát triển sản xuất liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước tiếp tục được nhân rộng những năm tiếp theo theo quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, phối hợp với sản xuất hữu cơ, đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân.

PHƯƠNG NAM

Tin mới