Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu HĐND Hà Nội: 'Chúng ta đang quay lưng ra sông'

Trong buổi họp HĐND TP Hà Nội sáng nay, các đại biểu đặt câu hỏi về lý do chậm phê duyệt quy hoạch 2 con sông quan trọng nhất là sông Hồng và sông Đuống.

Quy hoạch 2 con sông quan trọng nhất Thủ đô bị chậm phê duyệt

Sáng 5/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khoá XV, các đại biểu nghe Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Nguyễn Trúc Anh trình bày "Báo cáo tóm tắt tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn thành phố". Sau đó, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.

Ông Trần Việt Anh đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở QHKT Hà Nội về chậm phê duyệt quy hoạch sông Hồng, sông Đuống. (Ảnh: DT)

Đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Trần Việt Anh (đại biểu quận Ba Đình) nhận định quy hoạch chung cơ bản được phủ kín nhưng quy hoạch phân khu vẫn còn tới 9 đồ án chưa được phê duyệt.

Ông Việt Anh cũng đưa ra dẫn chứng, tại các quốc gia có biển đều hướng ra biển, đô thị có sông đều hướng ra hai bên bờ sông, "hay các cụ ta ngày xưa có câu "nhất cận thị, nhị cận giang". Tuy nhiên, tới nay quy hoạch phân khu 2 dòng sông quan trọng bậc nhất của Thủ đô là sông Hồng và sông Đuống vẫn chậm được phê duyệt.

"Tôi nói một cách hình tượng là chúng ta đang quay lưng ra sông, điều này có tác động không nhỏ tới nguồn lực và điều kiện phát triển của Thủ đô cũng như việc quản lý đô thị và trật tự xây dựng", ông Việt Anh nói và đề nghị Giám đốc Sở QHKT làm rõ nguyên nhân chậm phê duyệt quy hoạch này và trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

"Quy trình" vẫn là nguyên nhân

Trả lời đại biểu Trần Việt Anh, Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được lập 3 năm nay. Cùng với Quyết định 257 của Thủ tướng về quy hoạch phòng lũ sông Hồng, sông Thái Bình nằm trong các quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tạo ra một hành lang pháp lý rất rõ cho vấn đề này.

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh trả lời chất vấn. (Ảnh: DT)

"Tuy nhiên, theo đúng Luật Đê điều thì lại phải lập quy hoạch chi tiết các sông có tuyến đê. Quy hoạch chi tiết này hiện sở NN&PTNT đang thực hiện, nhưng lại vướng mắc ở chỗ lại có Luật 35 ra đời. Luật 35 và Luật Quy hoạch lại tích hợp vào. Hiện nay vấn đề quy trình và thẩm quyền chưa rõ ràng, quy hoạch các tuyến sông có đê sẽ trình như thế nào. Đây là lý do chậm", ông Trúc Anh nói.

Người đứng đầu Sở QHKT Hà Nội nhấn mạnh đã thực hiện hết các bước theo đúng Luật Quy hoạch, tuy nhiên lại vướng ở chỗ Bộ NN&PTNT nắm toàn bộ các công trình ngoài đê, thành phố đang xin ý kiến Bộ NN&PTNT về vấn đề này.

Ông Trúc Anh cho biết thêm, theo Quyết định 257, hai bãi Tầm Xá và Cự Khối (sông Hồng) được phép xây dựng 15%, các bãi sông còn lại được phép xây dựng 5%, với diện tích từ chân đê ra mép sông là 500m.

"Tiến bộ của Quyết định 257 là toàn bộ dân cư ngoài đê được phép tồn tại, chỉ một số khu vực theo dòng chảy phải di dân.

Ngoài ra, trong Quy hoạch Giao thông vận tải của thành phố có kết hợp đê hai bên bờ sông Hồng. Đây cũng là giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, đặc biệt là giao thông khu vực nội đô lịch sử.

Riêng đê Bối, Bộ NN&PTNT yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Sắp tới sở NN&PTNT và Sở QHKT sẽ kết hợp chặt chẽ với UBND thành phố để thông được quy hoạch ngoài đê", ông Trúc Anh nói. 

Thành Trung

Tin mới