Theo Bộ Tài chính, năm 2019, toàn ngành đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý thu - chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; kiểm tra 503.500 hồ sơ khai thuế; điều tra chống buôn lậu bắt giữ 17,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 25,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 17,2 nghìn tỷ đồng).
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Bộ Tài chính)
Kết quả thanh tra, kiểm tra tại một số lĩnh vực chủ yếu đã cho kết quả cuối cùng. Theo đó, thanh tra Bộ Tài chính triển khai 38 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 38 kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm tra; kiến nghị xử lý về tài chính, với số tiền 2,8 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách 1,5 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 1,11 nghìn tỷ đồng); giảm trừ dự toán, không cấp phát, giảm thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 95,8 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 685 tỷ đồng.
Cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra 503.500 hồ sơ khai thuế, qua đó kiến nghị xử lý truy thu 62.660 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp, trong đó thu vào NSNN 18,45 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 13,5 nghìn tỷ đồng), chống chuyển giá, giảm lỗ 41,6 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 2,6 nghìn tỷ đồng.
Cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan 4,32 nghìn cuộc; qua đó kiến nghị xử lý thu vào NSNN gần 2,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 2 nghìn tỷ đồng).
Các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đã đề ra, xử lý kịp thời các sai phạm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ Tài chính khẳng định, năm 2019, đơn vị này làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm tình hình địa bàn, thực hiện thành công nhiều chuyên án bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền sản xuất hàng hóa trong nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, chống thất thu NSNN.
Trong năm, đã chủ trì bắt giữ 17,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 481 tỷ đồng; cơ quan Hải quan ban hành quyết định khởi tố 51 vụ án hình sự và chuyển các cơ quan khác kiến nghị khởi tố 164 vụ.
Tuy nhiên, tại báo cáo toàn ngành tài chính năm 2019, Bộ Tài chính cũng thừa nhận công tác cổ phần hóa năm 2019 diễn ra chậm.
Cụ thể, cả nước chỉ có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa như: Công ty TNHH Cà phê Thắng Lợi - Đăk Lăk; Công ty TNHH MTV môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên; Công ty môi trường đô thị Cà Mau; Công ty quản lý cầu đường Đà Nẵng... Tuy nhiên, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo kế hoạch.
Cổ phần hóa trong năm 2019 diễn ra chậm khiến lũy kế giai đoạn 2017-2019, trong số 171 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, thì chỉ có 36/128 doanh nghiệp, đạt 28% kế hoạch thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch tại các Quyết định 991//2017/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cổ phần hóa chậm theo Bộ Tài chính là do việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt còn rất chậm. Nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa...