Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 400 quần áo gắn thương hiệu IFU bị nghi vi phạm về nhãn mác

Cửa hàng IFU Thái Bình bị quản lý thị trường thu giữ số hàng hóa trị giá gần 300 triệu đồng do có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Sáng 15/11, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 - Cục QLTT Thái Bình kiểm tra đột xuất cửa hàng thời trang IFU, địa chỉ: Số 137 Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình kinh doanh quần áo thời trang nữ các loại nhãn hiệu IFU.

Lực lượng Quản lý thị trưởng làm việc với Cửa hàng thời trang IFU. (Ảnh: QLTT) 

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng có 414 sản phẩm quần áo thời trang nữ các loại có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết trên sản phẩm là 297.034.000 đồng.

Do chủ cửa hàng không có mặt để làm việc nên đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản và ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 Lực lượng QLTT kiểm kê toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tạm giữ chờ xử lý. (Ảnh: QLTT)

Ngày 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một cơ sở may mặc tại quận Long Biên nhập hàng nước ngoài sau đó thay bằng nhãn các thương hiệu Việt, trong đó có cả nhãn hiệu IFU.

Trả lời VTC News, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, gần đây nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng bị tố có biểu hiện gian lận xuất xứ, nhập hàng nước ngoài rồi gắn mác hàng Việt.

Theo lãnh đạo Quản lý Thị trường Hà Nội, hàng hóa quần áo may mặc hay giày dép ở Việt Nam hầu hết đều được gia công ở nước ngoài. “Kể cả các thương hiệu đồ da nổi tiếng cũng đều được gia công ở nước ngoài hết. Các mặt hàng quần áo của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam cũng tình trạng tương tự. Việc gia công ở nước ngoài là được phép tuy nhiên khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều thương hiệu tự ý gắn mác made in Vietnam, trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định”.

Mới đây nhất, hãng thời trang Seven.AM bị tố sử dụng nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc nhưng được gắn mác thương hiệu Việt Nam. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và thu giữ nhiều sản phẩm tại hệ thống cửa hàng này ở Hà Nội. Hiện, loạt cửa hàng này vẫn đang đóng cửa, chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Lê Thịnh

Tin mới