Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 2.300 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Sabeco về SCIC

(VTC News) -

Bộ Công Thương chuyển quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về SCIC trong chiều nay 28/8.

Theo biên bản chuyển giao, Tổng công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) sẽ thay Bộ Công Thương đại diện phần vốn hơn 2.308 tỷ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco. 

Lễ bàn giao đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Sabeco.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, cho biết sẽ thực hiện đúng các quy định sau khi Sabeco chuyển giao về SCIC. Lãnh đạo SCIC cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Sabeco tiếp tục phát triển, đem lại lợi nhuận cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước. “Thời gian qua Sabeco gặp không ít khó khăn vì COIVD-19, thay đổi chính sách nhưng Ban điều hành Sabeco, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp giúp Sabeco”, ông Chi nói.

Theo ông Chi, sau khi tiếp nhận doanh nghiệp, SCIC vẫn nhận được sự hỗ trợ của Bộ trong quản lý ngành, nên nhiều doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động tốt, lợi nhuận hằng năm đạt tỉ suất lợi nhuận cao, giá trị vốn không ngừng tăng lên. Nhiều khoản thu lớn từ nhà nước đã được thu về từ việc quản trị và phát triển.

Việc chuyển giao vốn nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 29/6/2020 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco bắt đầu từ cuối năm 2017 sau khi bán 53,59% vốn cho Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Giá trị thương vụ thu về ở thời điểm đó khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

Vietnam Beverage là doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017, vốn điều lệ gần 682 tỷ đồng và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100%, có trụ sở tại Hong Kong.

Trên thị trường gần đây xuất hiện tin đồn về việc tỷ phú Thái muốn nhượng cổ phần tại Sabeco sang nhà đầu tư khác. Tuy vậy đại diện Bộ Công Thương khẳng định không có chủ trương mua lại cổ phần của doanh nghiệp này. ThaiBev cũng lên tiếng phủ nhận chuyện đang tìm kiếm người mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam. “Công ty không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào”, ThaiBev khẳng định.

Đồng thời công ty này cam kết hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của các mảng tại Việt Nam, đặc biệt với Sabeco nhằm củng cố vị thế nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu trong ngành bia.

Báo cáo tài chính cho thấy năm 2019, Sabeco kinh doanh khá thành công với lợi nhuận sau thuế thu về được 5.370 tỷ đồng, tăng 967 tỷ đồng so với 2018.

Tuy nhiên năm nay, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu thuần giảm 37% còn 23.800 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2012. Ngoài kế hoạch doanh thu thận trọng, lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến giảm 39%, xuống 3.252 tỷ đồng.

Nguyên nhân do thị trường bia đang đối mặt với những khó khăn lớn từ dịch COVID-19 và Nghị định 100 liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu bia.

Năm 2020, Sabeco trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu giảm 37%, lợi nhuận sau thuế giảm 39% so với năm 2019, tương ứng còn lần lượt 23.800 tỷ và 3.252 tỷ đồng.

Sabeco tiền thân là nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng bia B.G.I. Ngày 06/5/2003, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới: Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ; Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.

Hòa Bình

Tin mới