Trong 3 ngày 28-30/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo và trưng bày sách giáo khoa (SGK) phổ thông.
Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn gửi đơn vị thẩm định. Đến thời điểm này, các bộ sách đã được phê duyệt đưa vào sử dụng trong trường phổ thông gồm SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Các bộ SGK lớp 4, 8, 11 đang được thẩm định và bộ sách lớp 5, 9, 12 đang được biên soạn.
SGK mới vấp phải phản ứng dư luận vì giá bán quá cao. (Ảnh: Tienphong)
Đến nay, có 6 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, NXB Đại học Vinh, NXB Đại học Huế...
Việc xã hội hóa SGK cũng thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín đến từ các trường ĐH sư phạm, ĐH chuyên ngành, viện nghiên cứu, trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên. Điều đáng nói, trong tổng số 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách cho các khối lớp hiện nay có trên 2/3 tác giả trình độ từ tiến sĩ trở lên (hơn 1.000 người).
Bộ GD&ĐT đánh giá, các bộ sách đã có những sáng tạo riêng trong trình bày cũng như nội dung. Các đơn vị lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá khác nhau làm đa dạng các bộ sách, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học TS Nguyễn Xuân Thành cũng thẳng thắn thừa nhận SGK mới vẫn còn một số hạn chế như một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK khác nhau trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể. Một số bản mẫu sách còn có lỗi về nội dung cũng như chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh,…
Về lựa chọn, cung ứng SGK qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương về việc lựa chọn SGK cho thấy còn tồn tại những hạn chế. Cá biệt một số địa phương chỉ chọn duy nhất 1 bộ SGK.
Bộ GD&ĐT thừa nhận, chuẩn bị cho năm học 2022-2023, thời gian ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn chậm, muộn so với quy định. Việc thông báo nhu cầu số lượng SGK theo các môn học của các địa phương cũng chậm muộn, dẫn đến bị động cho các NXB trong việc cung ứng SGK trước thềm năm học mới.