Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp bé N.V.T., 9 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ trong tình trạng ho, đau tức ngực, do bị hóc xương chim bồ câu.
Kết quả chụp cắt lớp lồng ngực cho thấy, dị vật nằm ở khoẳng 1/3 thực quản giữa. Bệnh nhi được các bác sĩ hội chẩn, thăm dò chức năng và nội soi gắp dị vật..
Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi ổn định và vừa được ra viện.
Bệnh nhi và mảnh xương chim bồ câu được lấy ra khỏi thực quản. (Ảnh: BVCC).
Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ bị hóc dị vật phải nhập viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ từng tiếp nhận trường hợp bé gái N.T.M, 29 tháng tuổi, trú tại Phù Ninh trong tình trạng nôn ọe và quấy khóc nhiều do nuốt phải cúc áo khi đang chơi đùa ở nhà.
Ngay lập tức, bé M. được các bác sĩ gắp trong thực quản.
Theo các bác sĩ, hóc dị vật là tình trạng một vật lạ đột ngột rơi vào đường thở hoặc thực quản. Đây là một trong những tai nạn thường gặp ở mọi độ tuổi, nhiều nhất ở trẻ nhỏ và rất nguy hiểm. Nếu không được xử trí kịp thời nạn nhân có thể thiệt mạng chỉ sau vài phút.
Do vậy, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ nhỏ. Không cho trẻ chơi với những đồ vật nhỏ, dễ hóc như viên bi, mảnh nhựa, cúc áo… Khi ăn thực phẩm dễ bị hóc như: cá, gà, lợn, nhãn, vải... cần chú ý bỏ hết xương và hướng dẫn trẻ ăn từ từ, tránh đùa nghịch, cười nói khi ăn.
Nếu không may trẻ bị hóc dị vật, cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.