Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh Philippines trèo lên mái nhà, ra nghĩa địa để học trực tuyến

Dịch COVID-19 khiến các trường học ở Philippines chuyển sang hình thức học trực tuyến, nhưng nhiều học sinh phải vất vả tìm tín hiệu Internet.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Jhay Ar Calma, 10 tuổi, buộc phải học trực tuyến. Do kết nối Internet trong khu vực rất yếu, nên cậu bé thường phải trèo lên mái tôn để bắt tín hiệu. Trên mái nhà, Calma kê thêm một chiếc chậu nhựa đã vỡ để ngồi cao lên với hy vọng tín hiệu Internet đủ mạnh kết nối với thiết bị máy tính bảng do chính phủ cấp.

“Đôi khi, chúng tôi phải đổi thẻ sim sang một nhà mạng khác để con mình không phải học trên mái nhà. Nhưng hiếm khi chúng tôi có đủ tiền”, bà Jonalyn Parula, mẹ của Calma, chia sẻ.

Jhay Ar Calma, 10 tuổi, một học sinh lớp 5, ngồi trên mái nhà khi tham gia một lớp học trực tuyến. (Ảnh: Reuters)

Giống như nhiều đứa trẻ khác, mong muốn được quay trở lại trường học trong tháng này của Calma đã tiêu tan. Tổng thống Rodrigo Duterte hủy kế hoạch thử nghiệm các lớp học trực tiếp ở khu vực có nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 thấp, hoãn mở cửa trở lại vô thời hạn khi Philippines đang có tổng số ca mắc 480.000, con số cao thứ 2 ở Đông Nam Á.

Việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, với mô hình tự học và học trên các chương trình truyền hình hay đài phát thanh cho thấy những bất cập ở quốc gia 108 triệu dân này. Tại Philippines, có chưa đến 1/5 hộ gia đình có truy cập Internet và rất nhiều người vẫn thiếu thiết bị di động. 

Trước tình trạng này, số lượng học sinh bỏ học tại Philippines đang gia tăng. Tại tỉnh Laguna, phía nam Manila, học sinh phải lên núi để truy cập Internet. Thậm chí, nhiều em còn phải dựng lều để trú ẩn khi trời mưa và phải ngủ qua đêm tại đây nếu làm bài tập về khuya. 

Tình huống này khác xa với cuộc sống đại học mà Rosemine Gonzaga, 19 tuổi, mường tượng trước đó.

“Tôi thực sự hào hứng với việc học đại học vì cả đời tôi đã sống trên núi”, Gonzaga nói và cho biết đại dịch đã cản trở kế hoạch sống cuộc sống tự lập trên thị trấn của cô.

Giống như nhiều sinh viên khác trong cộng đồng, Gonzaga dựa vào học bổng để sinh sống. Cô lo sợ mình có thể không đạt được học bổng nếu không thể theo kịp các tiết học. Tuy nhiên, cô gái 19 tuổi vẫn quyết tâm tham gia các buổi học online. Cô cho rằng học trên mạng từ xa sẽ tốt hơn việc có nguy cơ lây nhiễm khi tham dự các lớp học trực tiếp. “Đại dịch không là lý do tôi ngừng học”, Gonzaga chia sẻ.

Andal tham gia một lớp học trực tuyến bằng điện thoại thông minh tại một túp lều trong rừng, nơi có kết nối Internet. (Ảnh: Reuters)

Mark Joseph Andal, 18 tuổi, sống ở San Juan, tỉnh Batangas, phải làm việc bán thời gian trong lĩnh vực xây dựng để có tiền mua một chiếc điện thoại thông minh và tham dự các lớp học trực tuyến. Andal cũng phải dựng một túp lều trú ẩn trong rừng để bắt tín hiệu Internet.

Khi tín hiệu tắt dần, Andal nhấc chiếc ghế nhựa của mình di chuyển đến vị trí khác. Nếu trời mưa, cậu vừa phải cầm điện thoại vừa phải cầm ô để học. Andal cho biết mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc học thật tốt.

Cậu thừa nhận vừa cảm thấy nhẹ nhõm vừa sợ hãi khi nghe tin trường học có thể mở cửa trở lại. Song, hoàn cảnh khó khăn càng khiến Andal quyết tâm để đạt được thành công.

“Chúng tôi không giàu có và hoàn thành việc học là cách duy nhất để tôi trả công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Tôi muốn năng động hơn trong lớp, tôi muốn kiên trì hơn, để cải thiện bản thân, vươn lên hoàn cảnh của mình,” Andal nói.

Lovely Joy de Castro, cũng đang phải vật lộn với việc học từ xa. Cô bé 11 tuổi sống tại một ngôi nhà tạm bợ dựng lên ở nghĩa trang ở Manila. Đôi khi, cô bé phải ngồi học trên bia mộ để tham dự lớp học.

Castro ngồi trên bia mộ tại nghĩa trang nam Manila. (Ảnh: Reuters)

“Tôi biết chúng tôi không có đầy đủ điều kiện cho con bé đi học. Nhưng nếu chúng tôi không lo cho công việc kinh doanh của mình, chúng tôi sẽ không có gì để nuôi lũ trẻ. Tôi chỉ mong Castro học xong, kiếm được một công việc tốt và cuối cùng thoát khỏi cuộc sống bên ngoài nghĩa trang này”, bà Angeline Delos Santos, bà của Castro, nói chia sẻ.

Nguồn: Báo Tin tức

Tin mới