Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh đua nhau thi thử vào lớp 10 trường chuyên: Lợi bất cập hại

Gần 3 tháng nữa mới đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhưng một số trường THPT chuyên tổ chức các đợt thi thử có phí.

Dù phụ huynh có con thi chuyên đặc biệt quan tâm, nhưng các thầy cô nhiều kinh nghiệm đều cho rằng, cần cân nhắc việc tham gia thi thử, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”.

Băn khoăn đề thi

Hai trường có thông báo thi thử sớm là THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) và THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Cả hai trường này đều đã ấn định thời gian tổ chức 3 đợt thi, với số bài thi như thi chính thức.

Nhắm mục tiêu vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, chị Lan Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết tâm cho con thi thử cả 3 đợt do trường này tổ chức với mức kinh phí 450 nghìn đồng/đợt. Số tiền này, theo chị Lan Anh, là xứng đáng để giúp con được làm quen, tiếp cận với định dạng đề thi, cách thức làm bài thi mới của trường, từ đó tự tin hơn trước kỳ thi chính thức.

Cô trò Trường THCS Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội trong giờ học. (Ảnh: TG)

Con trai chị hoàn thành đợt thi thử đầu tiên theo hình thức trực tuyến sau hơn 3 tiếng cật lực làm cả 3 bài thi (Tiếng Anh, Toán và Khoa học tự nhiên, Văn và Khoa học xã hội).

“Kết quả thi thử được 26,5 điểm, chưa đạt điểm chuẩn năm 2021 nên cháu khá hoang mang. Hy vọng ở 2 đợt tiếp theo kết quả sẽ khả quan hơn. Ngoài ra, tôi cũng sẽ cho con thi thử vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm vào ngày 20/3 tới”, chị Lan Anh cho hay.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hài lòng giống chị Lan Anh sau khi cho con tham gia các đợt thi thử. Như chia sẻ của thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lomonoxop, thời gian gần đây, thầy nhận được nhiều băn khoăn từ phụ huynh có con học lớp 9 của trường về việc nội dung đề thi một số chỗ vượt quá chương trình; đề thi khó, có nội dung gần như thi đại học; kinh phí khá cao… khiến học sinh hoang mang.

Ở góc độ nhà giáo, từng theo học trường chuyên, thầy Nguyễn Quang Tùng chỉ ra một số điểm chưa thực sự phù hợp. Theo đó, mức độ đề thi khó, một số kiến thức vượt xa chương trình học theo chuẩn của Bộ GD&ĐT khiến cho học sinh muốn thi chuyên phải học thêm rất nhiều, tốn tiền, tốn thời gian, giảm sức khỏe. Học sinh không có nhiều thời gian giải trí hoặc học các kỹ năng sống. Các em tập trung cao độ ở các lò luyện thi, bỏ bê nhiều môn học khác.

Việc này khiến giáo viên dạy trên lớp không khỏi băn khoăn khi gặp khó khăn trong công tác giảng dạy. Gặp đề thi khó, không làm được bài khiến nhiều em không tự tin vào khả năng của mình. Kinh phí thu từ phụ huynh học sinh là lớn, nhất là trong giai đoạn dịch như hiện nay, thu nhập của phụ huynh học sinh giảm sút. Chưa kể, uy tín của ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng, khi phụ huynh cho rằng, một số nơi tổ chức thi thử đặt ưu tiên việc thu lợi nhuận lên trước so với những giá trị mà kỳ thi mang lại. 

Không nên tham gia quá nhiều

Theo nhiều thầy cô, với học sinh có nhu cầu thi chuyên, việc tham gia thi thử tại các trường chuyên có những lợi ích nhất định; tuy nhiên nếu thi thử quá nhiều sẽ lợi bất cập hại.

Các ưu điểm được cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) chỉ ra là học sinh có cơ hội cọ xát với áp lực kỳ thi; được rèn kĩ năng phân tích đề và làm bài; xác định được lượng kiến thức so với yêu cầu kỳ thi, từ đó có kế hoạch ôn tập để bảo đảm đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, thi thử quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến thời gian học tập; học sinh không có nhiều thời gian để ôn tập và rèn kĩ năng còn yếu và gây tốn kém về kinh tế.

Cô Đinh Thị Thu Mây, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhìn nhận việc tham gia các kỳ thi thử vào trường chuyên giúp học sinh được trải nghiệm cảm giác tham gia thi một kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế. Từ đây, các em có thể rút được kinh nghiệm cần thiết trong cả quá trình thi; có thêm căn cứ để đánh giá năng lực bản thân qua kết quả bài thi. Bên cạnh đó, cô Đinh Thị Thu Mây cũng chỉ ra những băn khoăn khi học sinh tham gia thi thử ở nhiều trường, nhiều đợt.

“Với kết quả thi thử không như ý muốn, với các em có tâm lí không vững sẽ dễ bị tác động, gây lo lắng; hoặc ngược lại, sinh ra tâm lí chủ quan. Đề thi thử có khi chỉ là dạng đề, mức độ khó, dễ chưa hẳn đã tương đồng với đề thi thật. Việc thi thử ít nhiều khiến học sinh ảnh hưởng đến thời gian tự học, sức khỏe thể chất, tinh thần. Chưa kể, khi tham gia những kỳ thi này, gia đình phải đóng góp một mức lệ phí thi nhất định”, cô Thu Mây nói.

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, thầy Nguyễn Quang Tùng cho rằng, các trường chuyên chỉ cần có đề minh họa như các kỳ thi quốc tế hay của Bộ GD&ĐT cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT; hạn chế các kỳ thi thử tràn lan như hiện nay. Với học sinh, không nên tham gia quá nhiều kỳ thi thử tại các trường chuyên; hãy dành thời gian cho việc ôn tập, tự học và trải nghiệm các hoạt động kĩ năng sống. Phụ huynh học sinh nên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và sức khỏe của con em mình, không nên ép con vào các kỳ thi thử của nhiều trường, nhiều đợt như hiện nay.

“Một số trường chuyên sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước, tổ chức thi thử cho đối tượng học sinh không phải của trường mình, không phục vụ mục đích dạy và học của trường mình như vậy đã chuẩn chưa?”, thầy Nguyễn Quang Tùng băn khoăn.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

Tin mới