Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hoàng tử nào làm tướng ở nước ngoài, đánh quân Mông Cổ thua tan tác?

(VTC News) -

Khi lưu lạc ra nước ngoài, vị hoàng tử của Đại Việt được vua nước bạn trọng dụng nhờ tài năng.

Người được nhắc đến là Lý Long Tường (sinh năm 1174) - hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông chính là em trai của vua Lý Cao Tông, chú của vua Lý Huệ Tông.

Lý Long Tường không chỉ có vai trò quan trọng trong chính trị mà còn chỉ huy hạm đội hải quân nhà Lý đóng tại Đồ Sơn.

Tuy nhiên đến năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, nhà Trần chính thức được thành lập. Sự kiện này khiến hậu duệ của nhà Lý phải đối mặt với nguy cơ bị truy sát, buộc họ phải ẩn náu ở vùng núi phía Bắc.

Hoàng tử Việt làm tướng ở nước ngoài, đánh quân Mông Cổ thua tan tác. (Ảnh minh hoạ)

Sau khi Trần Cảnh lên ngôi, để bảo toàn tính mạng và giữ gìn hương hỏa tổ tiên, Lý Long Tường bí mật trở về Kinh Bắc. Tại đây, ông từ biệt lăng miếu Đình Bảng, thu gom bài vị cùng đồ tế khí ở Thái miếu rồi trở lại Đồ Sơn chuẩn bị cho hành trình ra khơi cùng sáu ngàn gia thuộc. Họ vượt qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa), tiến thẳng ra Biển Đông.

Một tháng sau, vì bão lớn mà đoàn thuyền của Lý Long Tường dạt vào đảo Đài Loan. Con trai ông là Lý Long Hiền ốm nặng, đành phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Đoàn thuyền đi tiếp thì dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly.

Biết tin hoàng tử Đại Việt cùng đoàn tùy tùng đến lánh nạn, vua Cao Tông của nước Cao Ly đã ra tiếp đón. Họ giao tiếp bằng chữ Hán nên hiểu được tình cảnh của nhau. Vua Cao Tông cấp cho đoàn của Lý Long Tường đất ở Ung Tân để sinh sống. Thế rồi hoàng tử nhà Lý và gia nhân, binh sĩ bắt đầu cuộc sống mới ở nơi xứ người.

Tại đây, Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.

Năm 1232, vua Mông Cổ tiến đánh Cao Ly. Lý Long Tường là một trong những vị tướng chỉ huy quân đánh lùi quân Mông Cổ ở tỉnh Hoàng Hải. Đến năm 1253, Đại hãn Mông Kha của Mông Cổ xâm lược Cao Ly lần nữa. Lý Long Tường tiếp tục ra trận, dùng binh pháp của Đại Việt để huấn luyện cho dân làng, binh sĩ, chống lại quân Mông Cổ.

Người dân trong vùng thường gọi Lý Long Tường là Bạch Mã tướng quân vì khi ra trận ông thường cưỡi ngựa trắng. Sau chiến thắng của ông, vua Cao Tông đã đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong cho Lý Long Tường làm Hoa Sơn tướng quân.

Hiện người dân Hoa Sơn (Triều Tiên ngày nay) vẫn còn lưu giữ nhiều di tích mang dấu ấn chiến công của Lý Long Tường như khu dinh quán, thành lũy, mộ của ông. Đối với họ, Lý Long Tường là một vị anh hùng.

Dù trở thành tướng quân lẫy lừng ở Cao Ly nhưng Lý Long Tường vẫn luôn nhớ về quê hương. Ông từng cho xây một ngôi đình kiểu Đại Việt để thờ các vua Lý, mong mọi người có nơi chốn để hoài niệm cố hương. Cuối đời, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi Quảng Đại, ngồi nhìn về phương Nam.

Kim Nhã

Tin mới