Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 20192020, định hướng đến 2025; Công văn số 1145/BTTTT-THH ngày 19/4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến lên mức độ 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Mục tiêu thực hiện kế hoạch nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính (CCHC), đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC.
Ngoài ra, kế hoạch cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào CCHC nhằm công khai, minh bạch trong giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) với người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh ICT, thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến lên mức độ 4 năm 2021.
Theo đó, tỉnh thực hiện xây dựng, cung cấp đầy đủ 100% TTHC đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, thường xuyên rà soát, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ.
Cùng với đó, thống nhất các biểu mẫu, thành phần hồ sơ trong quy trình điện tử giải quyết hồ sơ TTHC; Hoàn thiện việc xây dựng, ban hành quy trình nội bộ trong xử lý hồ sơ TTHC.
Mã hồ sơ TTHC được chuẩn hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và chuẩn hóa cấu trúc mã kết quả giải quyết TTHC thống nhất theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2020/NĐCP ngày 08/4/2020 của Chính phủ.
Tỉnh cũng tiến hành nâng cấp phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh và Cổng Dịch vụ công tỉnh Hòa Bình đáp ứng quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật tại Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cổng Dịch vụ công của tỉnh được kết nối với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ thông qua hệ thống chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP), đáp ứng chức năng đăng nhập một lần SSO và tích hợp đồng bộ trạng thái xử lý của tất cả hồ sơ TTHC.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào CCHC nhằm công khai, minh bạch trong giao dịch thủ tục hành chính.
Cổng Dịch vụ công của tỉnh cũng được kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các hệ thống thanh toán đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tại Thông tư số 18/2019/TTBTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành”.
Cổng Dịch vụ công tỉnh, Hệ thống phần mềm một cửa điện tử tỉnh tích hợp, kết nối liên thông với nền tảng thanh toán trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (nền tảng Paygov) để bổ sung hình thức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về việc sử dụng và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến; Công bố, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin, số lượng, thành phần các TTHC (tỉnh, huyện, xã) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh; Thực hiện kiểm thử các dịch vụ công đã được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.