1. "Chúng tôi là đội bóng số 1 ở Manchester, cũng là đội bóng số 1 thế giới", HLV Ole Solskjaer phát biểu trước trận derby Manchester tối 6/11. 10 năm trước, Man City không thể so với Man Utd. Nửa xanh thành Manchester là đội bóng làng nhàng, còn nửa đỏ vừa đòi lại ngôi vương từ tay Chelsea.
Nhưng, Man City chỉ cần một thập kỷ, tính từ cột mốc mùa 2011/2012, để đẩy Man Utd vào dĩ vãng. Hai nửa thành Manchester đi hai chiều đối lập, với điểm xa nhất cả về chất lượng lẫn trình độ chơi bóng được thể hiện ở trận đấu tối qua.
Ronaldo không gánh nổi Man Utd.
Thực tế, không cần theo dõi màn dạo chơi của Man City trên sân Old Trafford, giới chuyên môn cũng thấy phát biểu của Solskjaer là lố bịch thế nào. Nhà cầm quân người Na Uy tự huyễn hoặc về sức mạnh của Quỷ đỏ và chỉ biết bấu víu vào hào quang quá khứ.
Ông cố gắng mô phỏng ban huấn luyện Sir Alex Ferguson xây dựng cách đây 20 năm. Khi Man Utd bế tắc, Solskjaer xin Sir Alex lời khuyên. Khi Solskjaer chuẩn bị mất việc, lại là nhà cầm quân người Scotland đứng ra bảo vệ học trò cũ.
Cựu tiền đạo Quỷ đỏ mang biệt danh "sát thủ có gương mặt trẻ thơ", và sự "trẻ thơ" ấy vận vào cuộc đời huấn luyện của Solskjaer. Ông như đứa trẻ được bảo bọc bởi Sir Alex dù đầu đã hai thứ tóc. Trong vòng tay của người thầy, Solskjaer mơ tưởng về thành công quá khứ và không có kế hoạch nào cho tương lai.
2. Khác biệt duy nhất giữa Man Utd trong trận thua tối qua với thất bại nặng nề trước Liverpool nằm ở phong độ của David de Gea. Thủ môn người Tây Ban Nha chỉ cần 34 phút để 5 lần cứu thua mười mươi cho Man Utd. Nếu De Gea không xuất thần, Quỷ đỏ đã thua 0-4, hệt như thảm bại ở Old Trafford cách đây 2 tuần.
HLV Solskjaer được khen ngợi vì đổi sang sơ đồ 3-5-2 ở trận thắng Tottenham, song giới chuyên môn nhanh chóng nhìn ra vấn đề: Man Utd thắng bởi đối thủ đang khủng hoảng, chứ chẳng phải vì sơ đồ này ưu việt.
HLV Solskjaer không thể sánh với Guardiola.
Khi được hỏi về bí quyết phòng ngự của Chelsea ở Ngoại hạng Anh, trung vệ Antonio Rudiger từng nói: "Sơ đồ 3 hậu vệ hay 4 hậu vệ không quan trọng, điều cần thiết là kế hoạch vận hành chiến thuật".
Đó là nguyên tắc cơ bản của bóng đá. Sơ đồ 3-4-1-2, 4-2-3-1 hay 4-3-3 chỉ có ý nghĩa trên bàn giấy. Còn trên sân, các cầu thủ thay đổi đội hình tùy thời điểm, thậm chí linh hoạt từng phút.
Ở trận gặp Man City, vấn đề nhanh chóng lộ ra: Man Utd không có ý tưởng chơi bóng nào. Quỷ đỏ pressing kém cỏi, để đối thủ thoải mái ban bật ở phần sân nhà. Man Utd cắm 2 tiền đạo mũi nhọn là Cristiano Ronaldo và Mason Greenwood phía trên, nhưng Man City chỉ cần một tiền vệ phòng ngự thuần túy (Rodri) để ngăn chặn.
Khi giành lại bóng, các mũi công Man Utd di chuyển hỗn loạn, tùy hứng. Sau 3 năm, "thành quả" của Solskjaer rốt cục chỉ là một lối chơi lộn xộn, thiếu tổ chức và phụ thuộc vào trình độ của từng cá nhân. Một đội bóng khô cạn ý tưởng như thế, đá 4-2-3-1 hay 3-5-2 cũng khó thoát thua.
Maguire không xứng đáng với băng thủ quân cùng mức giá 80 triệu bảng?
Cách Solskjaer thay đổi sơ đồ có lẽ chỉ phần nào giúp giải tỏa sức ép và phản bác những ý kiến cho rằng ông bảo thủ. HLV người Na Uy không đến nỗi bảo thủ, mà đơn giản là không đủ trình độ để dẫn dắt Man Utd và ngồi chung mâm với Pep Guardiola, Jurgen Klopp và Thomas Tuchel.
3. Tuy nhiên, để Man Utd từ một đội bóng quyền lực trở thành tập thể tầm thường như hiện tại, không chỉ HLV Solskjaer có lỗi.
Điểm chung của cả ba HLV giỏi nhất Ngoại hạng Anh hiện tại là đều có triết lý huấn luyện đặc thù. Guardiola là tín đồ của bóng đá kiểm soát, từ làm chủ quả bóng đến làm chủ không gian.
Klopp ưa thích gegen-pressing, với thứ bóng đá dồn ép nghẹt thở và giàu năng lượng. Tuchel hướng đến thứ bóng đá cân bằng giữa tấn công và phòng ngự, đồng thời rất chú trọng khâu luân chuyển bóng.
Triết lý huấn luyện không tự nhiên mà có, mà được hình thành trong môi trường làm việc khắc nghiệt, đòi hỏi nghị lực và lập trường sắt đá. Guardiola sẵn sàng rời bỏ Barca và Bayern Munich để tự nâng cấp mình. Klopp và Tuchel khẳng định tên tuổi ở những CLB có tiềm lực hạn chế, rồi thăng tiến từng nấc trong sự nghiệp.
Klopp và Guardiola thành công nhờ kiên định với triết lý.
HLV Solskjaer cũng tự ném mình vào áp lực. Ông nhận lời dẫn dắt Cardiff City khi CLB này đang ngập trong khủng hoảng, rồi trở về Man Utd cũng trong thời điểm khó khăn.
Dù vậy, nhà cầm quân người Na Uy không tìm thấy một triết lý cốt lõi để theo đuổi. Ông chơ vơ trong nghiệp huấn luyện, được Sir Alex Ferguson o bế, nên dù nắm quyền tại Man Utd tới 3 năm, Solskjaer vẫn không xây nổi một đội bóng có hình thù.
Solskjaer có lỗi khi không tự nâng tầm bản thân, nhưng tin dùng một HLV như thế còn là cái lỗi lớn hơn nhiều của ban lãnh đạo Man Utd.
Đội chủ sân Old Trafford đã lỡ cơ hội bổ nhiệm Antonio Conte. HLV người Italy là cái tên hiếm hoi thất nghiệp (ở thời điểm hai tuần trước) có triết lý huấn luyện đặc thù và đủ trình độ dẫn dắt Quỷ đỏ.
Solskjaer may mắn tại vị nhờ được Sir Alex bảo vệ.
Sa thải Solskjaer bây giờ, Man Utd nên bổ nhiệm ai: Steve Bruce, Laurent Blanc hay... Wayne Rooney? Không cái tên nào đủ đẳng cấp vực dậy nửa đỏ thành Manchester trong tương lai gần.
Lãnh đạo Man Utd từng muốn cách chức Solskjaer, để rồi tác động đúng lúc của Sir Alex đã thay đổi tất cả. HLV người Scotland là tượng đài của Man Utd, nhưng tầm ảnh hưởng quá lớn của ông đang cản trở Man Utd lúc này. Lãnh đạo CLB cần có chính kiến, thay vì để cái bóng quá lớn của Sir Alex đàn áp.
Nhưng điều đó không xảy ra, bởi cũng giống Solskjaer, nhà Glazer chỉ biết nhìn về quá khứ. Một đội bóng luôn mộng tưởng và ngoái đầu lại phía sau, chắc chắn không đủ sức cạnh tranh bất cứ danh hiệu nào.