Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hình ảnh từ siêu nhà tù lớn nhất châu Mỹ khiến cả thế giới chú ý

Những hình ảnh mới về việc 2.000 phạm nhân bị nghi là thành viên băng đảng được chuyển đến nhà tù lớn nhất châu Mỹ hôm 24/2 đã khiến sự chú ý đổ dồn về El Salvador.

'Siêu nhà tù' tiếp nhận 2.000 phạm nhân ở El Salvador.

Hình ảnh cho thấy một nhóm lớn gồm 2.000 người - xăm mình và đi chân trần - bị cùm chân khi đến cơ sở giam giữ này. Các phạm nhân cạo trọc đầu phải ngồi sát vào nhau trên sàn trước khi được đưa đến phòng giam, BBC mô tả.

Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Nayib Bukele tuyên bố họ là những người đầu tiên được chuyển đến Trung tâm Giam giữ Khủng bố (Cecot), nhà tù có sức chứa lớn nhất châu Mỹ.

Động thái này là một phần trong chiến dịch truy quét tội phạm của chính phủ ông Bukele. Ông đã tuyên bố “cuộc chiến chống băng đảng” vào tháng 3 năm ngoái, đồng thời đề nghị các đồng minh trong Quốc hội El Salvador thông qua tình trạng khẩn cấp.

Cuộc chiến chống băng đảng của ông Bukele đã tạo ra sự thay đổi phi thường, nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi ở một quốc gia nơi 2% dân số trưởng thành đang phải ngồi sau song sắt.

 2.000 phạm nhân bị nghi là thành viên băng đảng đã được chuyển đến nhà tù lớn nhất châu Mỹ ở El Salvador. (Ảnh: Secretaria de Prensa de la Presidencia/Reuters)

Từng là nơi bạo lực nhất Trái Đất

Được gia hạn nhiều lần sau đó, tình trạng khẩn cấp đình chỉ một số quyền hiến định nhằm ngăn chặn đà tăng trong số vụ giết người có liên quan đến băng đảng, theo Reuters.

Chiến dịch trấn áp tội phạm băng đảng đã mang lại bình yên cho nhiều khu phố tại El Salvador. Chẳng hạn, trước kia để đến thăm cha mình ở El Pepeto, Karla García - đã được đổi tên - từng phải đi qua khu vực nơi thành viên của băng nhóm Mara Salvatrucha và Barrio 18-Sureños chiến đấu dữ dội để giành quyền kiểm soát.

“Điều đó thực sự nguy hiểm. Họ đấu súng ngay ngoài đường”, cô García, 40 tuổi và đến từ Soyapango, phía Đông thủ đô San Salvador, cho biết.

Tuy nhiên, gần đây, khi ngồi trước nhà kính của cha cô, García đã không nhìn thấy bất cứ tên tội phạm nào, cũng như không nghe thấy tiếng súng.

“Họ đã hoàn toàn biến mất”, cô nói về những băng đảng đường phố đã thống trị khu vực trong nhiều năm. Những bức tường gần đó - từng có phù hiệu màu đen của những tên trùm tội phạm - đã được chính phủ sơn trắng để tượng trưng cho kỷ nguyên hòa bình mới, theo Guardian.

Các phạm nhân di chuyển đến buồng giam tại Trung tâm Giam giữ Khủng bố (Cecot) ở khu vực Tecoluca của El Salvador. (Ảnh: Secretaria de Prensa de la Presidencia/Reuters)

El Pepeto cũng không phải là khu phố duy nhất đã được tận hưởng những ngày bình yên sau khi chịu sự thống trị của các băng đảng.

Sau “cuộc chiến” kéo dài một năm gây nhiều tranh cãi chống lại các băng đảng khét tiếng do ông Bukele phát động, những cảnh yên bình tương tự đang diễn ra trên khắp đất nước từng được coi là một trong những nơi bạo lực nhất trên Trái Đất.

Ngay cả những người chỉ trích chính phủ cũng thừa nhận cuộc trấn áp của ông Bukele đã tạo ra "sự thay đổi phi thường" cho người dân Salvador, bất chấp một số cái giá phải trả.

Theo đó, hơn 100 người đã chết sau song sắt. Một số người bị bắt giữ chỉ đơn giản vì trông giống tội phạm hoặc bị bắt vì một nguồn tin tố cáo ẩn danh.

Gần đây, phóng viên tờ Guardian đã đến thăm 8 cộng đồng trong và xung quanh thủ đô của El Salvador để tìm hiểu về sự bình yên bất ngờ. Đây đều là các khu vực từng chịu sự kiểm soát của một số băng đảng khác nhau.

Hiện tại, phóng viên Guardian đã không phát hiện ra bất kỳ dấu vết nào của họ, những người từng lảng vảng khắp các góc phố.

Ở cộng đồng 10 de Octubre của San Salvador, một lãnh đạo địa phương nhớ lại việc cư dân đã phải tuân theo mệnh lệnh của băng đảng là “nhìn, nghe và im lặng” trong nhiều năm.

“Về cơ bản, bạn phải trả thuế để sống”, ông nói về việc các thành viên Mara Salvatrucha đã liên tục tống tiền các doanh nghiệp và người dân.

Hoài nghi sâu sắc

Tuy nhiên, những vụ tống tiền như vậy đã dừng lại sau khi ông Bukele tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2022. “Cho đến nay, với tình trạng (khẩn cấp), điều này đã thay đổi”, vị này nói, song không chắc tình trạng bình yên sẽ kéo dài bao lâu.

Nhiều người vẫn hoài nghi sâu sắc về sự bền vững của khoảnh khắc hòa bình ở El Salvador và lo lắng về những tác động của cuộc trấn áp đối với nền dân chủ.

Vào hôm 14/2, khi người thân của một số tù nhân biểu tình khắp El Salvador, tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn tháng thứ 11 liên tiếp.

Quân đội xuất hiện ở đường phố Soyapango, sau khi Tổng thống Bukele tuyên bố triển khai 10.000 lực lượng an ninh tới khu vực này. (Ảnh: Reuters)

José Miguel Cruz, một chuyên gia về băng đảng người Salvador tại Đại học Quốc tế Florida, nghi ngờ các tuyên bố về việc những băng đảng đã bị triệt phá hoàn toàn.

Những vấn đề cơ bản đã làm nảy sinh và duy trì những băng đảng như nghèo đói, bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Các vấn đề này vẫn chưa biến mất, theo ông Cruz.

Tuy nhiên, ông Cruz tin rằng đối với ông Bukele, cuộc trấn áp nói trên đã là thành công chính trị vang dội. Tỷ lệ ủng hộ của vị tổng thống đã tăng vọt khi nhiều hãng tin chính thức mô tả ông “như pháp sư đã có thể mang lại hòa bình cho El Salvador”.

Trong khi đó, Benjamin Lessing, một chuyên gia của Đại học Chicago về các băng đảng và nhóm bán quân sự, cho biết có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời về việc tại sao nhiều băng đảng hùng mạnh một thời của El Salvador được cho là đã dần dần biến mất.

Ngoài ra, ông Cruz lo sợ cuộc trấn áp băng đảng có thể gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân El Salvador.

Dẫu vậy, dù tương lai có ra sao, nhiều người dân Salvador đang tận hưởng hương vị tự do hiếm thấy khi thoát khỏi sự kiểm soát của các băng đảng.

“Thật tuyệt vời vì chúng tôi cảm thấy an toàn hơn. Chúng tôi có thể đi lại tự do hơn. Mọi người đến thăm chúng tôi nhiều hơn”, García cho biết.

Trong khi đó, hãng tin El Faro nhận định sự tan rã của các băng đảng ở những khu vực như vậy thể hiện "sự thay đổi cơ bản trong cuộc sống của hàng nghìn người dân Salvador".

Nguồn:

Tin mới