Theo Sputnik, Cơ quan liên bang giám sát việc bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe con người (Rospotrebnadzor) của Nga trở thành nơi đầu tiên trên thế giới ghi lại được hình ảnh của biến chủng SARS-CoV-2 ở Anh sau khi phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của một người mắc COVID-19 vào tháng 12/2020.
Hình ảnh được chụp lại bằng kính hiển vi điện tử truyền qua với độ phóng đại 100.000 lần. Hình ảnh dưới kính hiển vi được thực hiện trong quá trình nghiên cứu thuộc tính của biến chủng. Chúng bao gồm đặc điểm cấu trúc, sự hiện diện của virus trong nuôi cấy tế bào và mô hình thử nghiệm trên động vật.
Hình ảnh biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Anh được phân lập từ một bệnh nhân hồi tháng 12/2020. (Ảnh: Rospotrebnadzor)
Nghiên cứu cho thấy độ tin cậy của các xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) phát hiện ra chủng virus SARS-CoV-2 tại Anh. "Các đột biến đặc trưng của biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine EpiVacCorona, do loại vaccine này chứa kháng nguyên peptide không bị tác động bởi những thay đổi của virus", cơ quan này kết luận.
Vào giữa tháng 12/2020, một đột biến SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Anh. Các nhà khoa học phát hiện nó lây lan nhanh hơn 70% (cũng có nghiên cứu là 56%) so với ban đầu.
Trong buổi họp báo tại London ngày 22/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo biến chủng mới có khả năng gây tử vong cao hơn 30% so với loại đã biết trước đây và khả năng lây nhiễm cao hơn tới 70%. Mặc dù vậy, điều này vẫn chưa được xác nhận chính thức từ các nhà khoa học và cần thêm nhiều nghiên cứu hơn.
Tính tới thời điểm hiện tại, biến chủng này đã lây lan sang 60 quốc gia, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, nơi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây hơn một năm. Mối quan tâm về các biến chủng mới được xác định khiến nhiều nước áp đặt lệnh hạn chế đi lại trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới với du khách đến từ Anh.