Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân đủ điều kiện có hiệu lực

(VTC News) -

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres cho rằng việc Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực là chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn.

Liên Hợp Quốc ngày 24/10 thông báo Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên Hợp Quốc, qua đó hội đủ điều kiện cần thiết để hiệp ước này có hiệu lực sau 90 ngày, dự kiến vào tháng 1/2021.

Đây là một bước tiến lớn của nhân loại hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres cho rằng việc Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực là chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn. (Ảnh: Ghana News)

Hai quả bom nguyên tử nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima và Nagasaki cách đây 75 năm (ngày 6 và 9/8/1945) không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ngay thời điểm đó, cùng hàng chục nghìn người tử vong vì các căn bệnh do trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm chất phóng xạ gây ra, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp. 

Hiểu rõ những nỗi đau mà người dân thế giới phải hứng chịu do vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, để một thảm kịch tương tự không bao giờ tái diễn.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 7/7/2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Tính đến ngày 24/10, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ký kết, nhưng Hiệp ước chỉ có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres cho rằng Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có hiệu lực là chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn.

“Giải giáp hạt nhân là ưu tiên của Liên Hợp Quốc kể từ khi thành lập. 75 năm qua chúng ta đã chứng kiến mức độ tàn khốc của các quả bom nguyên tử tại Hirosima và Nagasaki. Thế giới tiếp tục sống trong bóng tối của những thảm họa hạt nhân. Nhiều quốc gia coi đây là vũ khí cốt lõi cho an ninh và sự sống còn của họ. Tuy nhiên, xóa bỏ vũ khí hạt nhân sẽ không chỉ cứu quốc gia mà còn cả hành tin này. Vì lợi ích an ninh của tất cả, thế giới cần phải đi chung trên một con đường không có vũ khí hạt nhân”, ông Gutteres nhấn mạnh.

Là thành viên của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, ủng hộ những nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc. Với Honduras là quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đúng vào ngày Liên Hợp Quốc tròn 75 năm tuổi, là cam kết quốc tế có ý nghĩa nhất hướng đến mục tiêu xóa bỏ vũ khí hạt nhân – một trong những ưu tiên cao nhất của Liên Hợp Quốc kể từ khi thành lập.

Hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân là mong muốn chung của nhân loại nhưng thế giới vẫn chia rẽ về mục tiêu chung này. Ngày càng nhiều quốc gia coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe. Đáng lo ngại nhất là trong nỗ lực chung của nhân loại đang thiếu vắng cam kết từ chính những cường quốc hạt nhân trên thế giới.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mới nhất này cũng không có sự tham gia của toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có những cường quốc hạt nhân bao gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc.

Trong khi đó, quan hệ giữa các quốc gia hạt nhân luôn căng thẳng và chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn như xung đột Ấn Độ - Pakistan hay việc Mỹ gần đây liên tiếp rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí như Thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga... có thể kích hoạt chiến tranh cũng như một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào.

Vì vậy, nếu các cường quốc hạt nhân không thực hiện các bước đi cụ thể nhằm cắt giảm kho vũ khí của mình, không cam kết với mục tiêu chung kiểm soát vũ khí toàn cầu, giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ khó trở thành hiện thực.

Phạm Hà/VOV1

Tin mới