Kết hôn nhiều năm nhưng chưa có con, năm 2013 vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1986) và anh Nguyễn Văn Thuyết (SN 1982) quê Quảng Bình quyết định bước vào hành trình tìm con. Chị thăm khám nhiều nơi, điều trị qua nhiều loại thuốc, đông tây y kết hợp, "ai mách gì chữa nấy" nhưng đều không đạt kết quả như mong muốn.
Năm 2016 chị Tuyết có thai tự nhiên, nhưng bị sảy khi đang ở tháng thứ 3 của thai kỳ. Năm 2017, nỗi buồn dần nguôi ngoai, vợ chồng chị một lần nữa vào TP.HCM thăm khám, bác sĩ kết luận tinh trùng chồng yếu, dị dạng nhiều nên khó có thai tự nhiên.
Hai vợ chồng được bác sĩ tư vấn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên cả hai chỉ dám lấy thuốc về điều trị. Năm 2019, chị Tuyết lại có thai tự nhiên lần 2 nhưng như lần trước, chị không giữ được con ở lại bên mình.
Sau những ngày tháng tìm con vô vọng, tháng 10/2021, anh chị dành hết số tiền tích góp, vay mượn thêm họ hàng, bạn bè để ra Hà Nội can thiệp hỗ trợ sinh sản. Một tháng sau thăm khám, chị bước vào quá trình kích trứng, chọc trứng, tạo phôi.
Mọi giai đoạn đều diễn ra thuận lợi, chị Tuyết tạo được 5 phôi tốt và 2 phôi khá. Người phụ nữ may mắn đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi. Hạnh phúc nhân lên gấp bội khi chị đi siêu âm và được bác sĩ thông báo mang song thai.
Thai kỳ của chị Tuyết diễn ra thuận lợi. Ngày 2/10/2022 cặp song sinh Nguyễn Ngọc Bình An và Nguyễn Ngọc Phú Quý chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của gia đình nội ngoại hai bên. “Tôi vẫn nhớ như in tiếng các con khóc. Lúc đó, tôi biết mình đã được làm mẹ, nước mắt cứ rơi không ngừng", chị Tuyết chia sẻ.
Cặp song sinh Nguyễn Ngọc Bình An và Nguyễn Ngọc Phú Quý.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc tử cung mỏng hoặc viêm lộ tuyến.
Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, gần 8% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.
Chuyên gia cũng cho rằng kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng phát triển, cộng đồng ngày nay cũng cởi mở hơn đối với người vô sinh, hiếm muộn. Nhiều gia đình không còn mặc cảm, chủ động tìm đến bác sĩ điều trị.
Bác sĩ khuyên các đôi lứa nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ, đảm bảo an toàn trước khi mang thai.