Phát biểu kết luận tại phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, diễn ra vào chiều 29/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, 6 tháng cuối năm 2023 phải tập trung các trụ cột tăng trưởng, trước mắt là thúc đẩy đầu tư công.
“Đến hôm nay, TP.HCM đã giải ngân đầu tư công đạt 21% và đến hết tháng 6 là đạt 23%. Đây là kết quả tích cực, chúng ta không đạt chỉ tiêu 35% vào cuối quý 2 nhưng chúng ta đã đạt cao hơn con số mà chúng ta đang có”, ông Mãi nói và cho rằng, địa phương nào có nhu cầu bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt thì nhanh chóng gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư ngay trong tháng 7 tới.
Toàn cảnh phiên họp.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp.
“Với những dự án gặp vướng, hàng tuần UBND TP sẽ ngồi lại với các sở ngành, chủ đầu tư để giải quyết. Và mỗi tháng sẽ có thông báo kết quả trên cổng thông tin điện tử của ủy ban hoặc qua kênh báo chí để chủ đầu tư được nắm”, ông Mãi nói.
Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 68.490 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương hơn 14.996 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 53.493 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.HCM đã giải ngân là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao.
"Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái", bà Mai nói.
Theo đó, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố tăng 4,92%; sản xuất công nghiệp của TP từng bước ổn định; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 1,9% so với cùng kỳ; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 561.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Các Chương trình hợp tác với các địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, thiết thực.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Khách du lịch nội địa ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48%; khách quốc tế ước đạt 1.941.267 lượt, tăng 306%.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,7% (22.463 doanh nghiệp) về số lượng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 227.872,430 tỷ đồng, đạt 48,52% dự toán năm và bằng 93,23% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 163.626,631 tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, bằng 94,30% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 64.241,7 tỷ đồng, đạt 44,06% dự toán, bằng 90,60% so cùng kỳ.