Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng trăm tấn cá chết ở Hải Dương: Nông dân bật khóc, xót xa tiền tỷ trôi sông

(VTC News) -

Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ một hộ nuôi cá tại xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) bật khóc khi trả lời PV VTC News về những thiệt hại do cá nuôi tại lồng bè chết thảm.

Ông Nguyễn Văn Toàn, trú tại xã Tiền Tiến (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết, đến thời điểm cá thành thương phẩm, mỗi lồng sẽ cho sản lượng 8 - 10 tấn. Với khoảng 15 lồng cá chết hàng loạt, ông Toàn ước tính mất trắng 6 - 7 tỷ đồng.

Thời gian qua, cả gia đình ông Toàn đều tập trung chăm những lồng cá. “Tính từ lúc thả cá vào lồng đến lúc thu hoạch tốn khoảng hơn 2 năm trời. Biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của đổ vào đấy, riêng tiền cám mỗi lồng cũng phải tốn khoảng 500 triệu đồng, bây giờ có còn gì đâu", ông Toàn bật khóc xót xa.

Ông Toàn cho biết, cá chép ông nuôi hầu như đã chết hàng loạt, chỉ còn lại cá diêu hồng nhưng vẫn rất yếu. Nếu cá diêu hồng chết thêm thì thiệt hại với ông không chỉ dừng lại ở con số trên.

Cá chết hàng loạt tại những lồng bè ở xã Tiền Tiến, Hải Dương. (Ảnh: NVCC)

“Ở đây chúng tôi nuôi cá thương phẩm, chủ yếu là cá chép, cá trắm nuôi ở giai đoạn trước khi vào giòn”.

Ông giải thích, cá chép, trắm sẽ được nuôi trong vòng khoảng 2 năm, đạt đến trọng lượng khoảng 2,5 - 5kg, sau đó được chuyển qua chế độ chăm sóc đặc biệt để thịt cá trở nên săn chắc, giòn khi nấu chín. Chép giòn, trắm giòn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Hải Dương và một số tỉnh phía Bắc.

Mới nuôi được 1 năm, tức là nửa chặng đường, cá đã lăn ra chết trắng sông. Ông Toàn cũng như các hộ nuôi cá khác tại xã Tiền Tiến vô cùng lo lắng, tiếc nuối nhưng không biết phải làm thế nào trước tai họa không ai mong muốn này.

Những con cá chết được vớt lên, thương lái đến thu mua về dùng làm phân bón với giá bèo. “Mỗi lồng cá trị giá 600 - 700 triệu đồng giờ chỉ mong vớt vát được đồng nào hay đồng đấy thôi”.

Toàn bộ số tiền đầu tư vào cá, gia đình ông Toàn phải thế chấp nhà ở, đất thổ cư để vay ngân hàng. Bây giờ cá chết, toàn bộ gia tài đổ sông đổ bể, ông Toàn chưa biết làm gì để khắc phục tình cảnh vừa mới gặp phải.

Cùng hoàn cảnh với ông Toàn, ông Phạm Văn Huy cũng sở hữu 15 lồng cá. Ông cho biết đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng mỗi lồng. Tổng mức đầu tư cho 15 lồng cá rơi vào khoảng 6 tỷ đồng nhưng nay cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Sau đại nạn cá chết gần 1 tuần qua, những lồng cá chép của gia đình ông Huy đã mất khoảng 80%. Ông Huy cho biết, cá trắm cũng chết nhiều nhưng tỷ lệ thấp hơn. “Đến hiện tại, cá vẫn tiếp tục chết. Vậy là toàn bộ gia sản tích cóp được, cùng với phân nửa số vốn đầu tư là đi vay ngân hàng lần này coi đổ sông", ông nói.

Theo ông Toàn, hầu hết các hộ nuôi cá tại xã Tiền Tiến nhà nào cũng cũng bị chết cá, thương lái khắp nơi đến đóng cá vào bao, mua với giá phân bón chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg, tiền thu về vì thế cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Cá chết hàng loạt, hóa thành phân bón được bán với giá 2.000 đồng/kg. (Ảnh: NVCC)

Theo phản ánh của những hộ nuôi cá tại xã Tiền Tiến, cá lồng bè tại đây bắt đầu có hiện tượng chết hàng loạt khoảng từ 11 ngày trước. Trong đó, từ 2 - 3/4/2024 là chết ồ ạt nhất,  cá nổi trắng lồng, người dân vừa vớt cả bỏ vào bao đem bán như phân, vừa nước mắt lưng tròng.

Trong khi đó, theo nguồn tin của VTC News, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã xác định được nguyên nhân ban đầu khiến hàng trăm tấn cá chép nuôi lồng bè chết trên sông Thái Bình, chảy qua TP Hải Dương.

Chiều 8/4, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: "Hiện nay đã có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rằng kết quả xét nghiệm xác định cá chết là do thiếu oxy, tuy nhiên chưa xác định rõ vì sao thiếu oxy”.

Cũng theo lãnh đạo xã Tiền Tiến, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cá chết ước tính khoảng 300 tấn, cả 51/51 hộ đều bị thiệt hại. Trong đó, có 2 hộ thiệt hại không đáng kể, còn 49 hộ thiệt hại tương đối nặng trở lên. Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cá chết ước tính khoảng 300 tấn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến nay, tình hình cá chết đã xảy ra tại các xã Tiền Tiến, Nam Đồng (TP Hải Dương); Xã Nhân Huệ, xã Cổ Thành (TP Chí Linh); Xã Nam Tân, xã Nam Hưng, xã An Bình, xã Cộng Hòa, xã Hiệp Cát, xã Thái Tân (huyện Nam Sách); xã Đại Sơn, xã Bình Lãng, xã Hà Kỳ, xã Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ); và xã Thanh Hải, xã An Phượng, xã Thanh Sơn, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà).

Công Hiếu

Tin mới