Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nuôi cá 'ngàn đô' trên ốc đảo Tây Nguyên

(VTC News) -

Dù là loại cá mới với chi phí đầu tư lớn, thời gian nuôi từ 5 - 7 năm nhưng nhiều người vẫn đánh liều thử nghiệm vì lợi nhuận từ loại cá này không hề nhỏ.

Video:  Nuôi cá ngàn đô trên ốc đảo Tây Nguyên

Dự án nuôi cá tầm thương phẩm tại lòng hồ C - Thuỷ điện Vĩnh Sơn (xã Đăk Rong, Kbang, Gia Lai) được triển khai từ năm 2013. 

Đây là loài cá mang lại nhiều giá trị to lớn, ngoài thu nhập hàng ngàn USD từ trứng cá thì thịt cá cũng có giá trị không hề nhỏ. Trứng và thịt cá 100% được xuất khẩu sang nước ngoài.

Ông Võ Tấn Hưng (61 tuổi, Thị trấn Kbang, huyện Kbang, Gia Lai) là người đã huy động những người dân khác bỏ ra hàng tỷ đồng để nuôi thử nghiệm, dù biết đây là loại cá mới với chi phí đầu tư lớn, thời gian nuôi từ 5 - 7 năm. Đặc biệt, mỗi tháng, số tiền phải đổ vào hơn 100 triệu đồng để mua thức ăn nhập ngoại và các thiết bị chăm sóc cá tầm.

Qua nhiều năm nuôi và chăm sóc, hiện mỗi con cá tầm cân nặng từ 25 - 30kg, trong đó có 70% là cá tầm cái cho trứng và 30% cá tầm đực chỉ để lấy thịt thương phẩm. 

Trung bình mỗi kg trứng cá tầm sẽ có giá khoảng 1.000 USD, mỗi con trung bình có khoảng 2,5 kg trứng, chiếm khoảng 15% trọng lượng của cá tầm. Đối với cá đực nguyên con có giá từ 200 - 300 ngàn đồng/kg và thịt fillet sẽ có giá khoảng 800 ngàn đồng/kg.

Hiện nay, ông Hưng cùng các kỹ sư đang nghiên cứu nuôi loại cá tầm nuôi từ 3 - 5 năm sẽ cho thu hoạch trứng (giảm được 3 năm so với giống ngày xưa). Đồng thời, thuần dưỡng giống cá tầm để phù hợp với nước suối ở một số khu vực, giúp bà con có thể nuôi phổ biến.

Ông Hưng cho biết: "Lợi thế của Kbang là có nguồn nước tự nhiên, sạch và có nhiệt độ nước khoảng 20 độ C, thích hợp để nuôi cá tầm. Rất nhiều mô hình trong cả nước đã thất bại nhưng ở Kbang vẫn đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế cao”.

Đầu năm 2020, ông Hưng phối hợp với đối tác để tiến hành siêu âm trứng. Qua đó, khoảng 5.000 con cá tầm cái có trứng đã đủ tiêu chuẩn thu hoạch, xuất khẩu. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên đối tác vẫn chưa thể sang Việt Nam thu hoạch cá tầm được. Dự tính vào đầu tháng 9/2020, đối tác sẽ tiến hành việc thu mua hết 7.000 con.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: “Mô hình cá tầm của ông Hưng đã đầu tư nhiều năm nay, giúp giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/ tháng".

Ngoài ra, mô hình nuôi cá tầm được rất nhiều người đến thăm thú và học hỏi. Trên đường đi bằng ghe ra mô hình nuôi cá, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngắm nhiều cảnh đẹp sông nước KBang.

HIỀN MAI

Tin mới