Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xác định nguyên nhân hàng trăm tấn cá nuôi lồng bè chết ở Hải Dương

(VTC News) -

Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định nguyên nhân ban đầu hàng trăm tấn cá chép nuôi lồng bè chết trên sông Thái Bình, chảy qua TP Hải Dương.

Chiều 8/4, thông tin với PV VTC News, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: "Hiện nay đã có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo rằng kết quả xét nghiệm xác định cá chết là do thiếu oxy, tuy nhiên chưa xác định rõ vì sao thiếu oxy”.

Cá diêu hồng, cá chép giòn nuôi lồng bè ven sông Thái Bình (qua TP Hải Dương) chết hàng loạt, khiến hàng chục hộ nuôi thiệt hại nặng nề. 

Trước đó, khoảng từ 28 - 31/3, hàng chục hộ nuôi lồng bè cá diêu hồng và cá chép tại khu vực ven sông Thái Bình thuộc địa phận xã Tiền Tiến, TP Hải Dương bị chết. Có hộ thiệt hại lên đến khoảng 15 tấn cá.

Ngay sau đó, UBND xã Tiền Tiến đã báo cáo lên UBND TP Hải Dương và các phòng ban chức năng của thành phố. Những ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số cơ quan chuyên môn về lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân.

Cũng theo lãnh đạo xã Tiền Tiến, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cá chết ước tính khoảng 300 tấn, cả 51/51 hộ đều bị thiệt hại. Trong đó, có 2 hộ thiệt hại không đáng kể, còn 49 hộ thiệt hại tương đối nặng trở lên.

Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cá chết ước tính khoảng 300 tấn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến nay, tình hình cá chết đã xảy ra tại các xã Tiền Tiến, Nam Đồng (TP Hải Dương); Xã Nhân Huệ, xã Cổ Thành (TP Chí Linh); Xã Nam Tân, xã Nam Hưng, xã An Bình, xã Cộng Hòa, xã Hiệp Cát, xã Thái Tân (huyện Nam Sách); xã Đại Sơn, xã Bình Lãng, xã Hà Kỳ, xã Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ); và xã Thanh Hải, xã An Phượng, xã Thanh Sơn, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà).

Ngay sau khi nhận được tin từ các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân cá nuôi lồng bị chết.

Bước đầu xác định nguyên nhân do nồng độ oxy hòa tan (DO) rất thấp và vẫn có diễn biến tiêu cực, kết quả test nhanh nồng độ oxy tại một số điểm nuôi lồng có cá bị chết ngày 1/4 từ 2,0mg/lít-3,0mg/lít; ngày 4/4 là 2,0mg/lít-2,5mg/lít; ngày 5/4 từ 1,0-2,0mg/lít.

Có những điểm nồng độ DO dưới 1mg/lít (theo QCVN 08:2023/BTNMT, mức B, nồng độ DO ≥ 5,0mg/lít). Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép như: Nồng độ khí độc NH4+-N > 1,0mg/lít (QCVN08:2023/BTNMT, mức B, nồng độ NH4+-N: 0,3mg/lit); NO2‑-N trong khoảng 0,5-1,0 mg/lít (QCVN08:2023/BTNMT, mức B, nồng độ NO2‑-N: 0,05mg/lit).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã khuyến cáo các hộ đang nuôi cá lồng bè trên sông theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột.

Cần thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi, khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nhao lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.

Khi mực nước trên sông giảm, cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.

Các hộ dân chủ động thu khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Lưu ý hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi.

Cá chép đang đến kỳ chuẩn bị thu hoạch thì chết hàng loạt

UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá; tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết. 

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết; thông báo kết quả quan trắc hàng ngày để thông tin tới người nuôi cá lồng. Đồng thời rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng. 

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương được yêu cầu đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.​

Minh Khang

Tin mới