Video: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời vấn đề lừa đảo qua mạng
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 4/11, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu lên tình trạng hàng giả, hàng nhái chào bán công khai trên Facebook và các mạng xã hội khác.
Đại biểu Trịnh Xuân An lấy ví dụ đồng hồ hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu đến tỷ đồng, nhưng được chào bán với giá vài chục triệu đồng. Ông An cho rằng đây là vấn nạn cần siết chặt và xử lý, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng quảng cáo sai sự thật khá nhức nhối hiện nay. Có tình trạng trang thông tin điện tử, báo điện tử bán các khoảng trống trên trang để quảng cáo nhưng buông lỏng quản lý, gần như doanh nghiệp quảng cáo gì cũng được.
Khi Bộ Thông tin và Truyền thông sửa các văn bản, nghị định, thanh tra, kiểm tra, thì các cơ quan báo chí, trang tin đã ý thức hơn. Việc quảng cáo sai trên các trang này cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật.
Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo trên các nền tảng.
"Thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, thì cần xác minh quảng cáo đã đúng pháp luật chưa. Do đó, tôi đề nghị bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền của mình cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, thẩm tra, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới", ông Hùng nhấn mạnh.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua Bộ kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, quảng cáo sai sự thật, phản cảm. Bộ và các đơn vị chức năng thực hiện rà quét khoảng 300 triệu thông tin/ngày.
Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, phối hợp với các bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng Cục Thuế), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế... buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý 14 tên miền có dấu hiệu cung cấp thông tin quảng cáo cho các dịch vụ trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc, quảng cáo bán hàng sai sự thật, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới .