Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa thông tin về việc tham gia Kế hoạch giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (Corsia) của hàng không Việt và một số chính sách liên quan tới phát triển bền vững của EU.
Hàng không Việt Nam tự nguyện tham gia từ 2026
Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện CORSIA, bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện và bắt buộc. Việc tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng bay trong nước đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là về vấn đề tài chính.
Bởi, theo tính toán sơ bộ, với chi phí mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải phát ra khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1/1/2024 tới hết năm 2026 thấp nhất sẽ là hơn 13 triệu USD (với giá tín chỉ là 6USD) và cao nhất là hơn 92 triệu USD (với giá tín chỉ là 40 USD).
Các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải chi cả chục triệu USD để mua tín chỉ carbon. (Ảnh: HH)
Nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1/1/2025, thì trong năm 2025, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phải chi trả khoản phí thấp nhất từ 4,6 triệu USD tới cao nhất là 31 triệu USD cho việc mua tín chỉ carbon (tương ứng mức giá từ 6-40 USD/tín chỉ). Trong năm 2026, các con số này lần lượt là 5,6 triệu USD và 37,5 triệu USD.
Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, kể cả tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia sớm hơn dù chỉ 1 năm, cũng là khá tốn kém đối với các hãng hàng không, có thể coi là gánh nặng về tài chính.
Tới nay, Hàng không Việt Nam đã thống nhất và dự kiến tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện từ ngày 1/1/2026.
Những quy định này dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến đến chi phí khai thác/giá vé và tính cạnh tranh của các hãng hàng không khai thác các chuyến bay trực tiếp giữa các khu vực EU và ASEAN (trong đó có Việt Nam) bên cạnh việc chi phí khi tham gia CORSIA, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận.
Với việc phải tăng thêm chi phí mua tín chỉ carbon, cơ cấu giá vé máy bay sẽ thay đổi. Giá vé máy bay có thể tăng cao trong thời gian tới là hệ lụy khó tránh.
Tiến tới sử dụng 100% nhiên liệu xanh
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 876 năm 2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan và khí carbon của ngành giao thông vận tải. Trong đó, với ngành hàng không Việt Nam, giai đoạn 2022-2030 sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp để giảm phát thải CO2.
Từ năm 2027, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không; từ năm 2035 sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ năm 2040, tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện, năng lượng xanh (trừ các phương tiện đặc thù). Tiến tới năm 2050, chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, yêu cầu tới năm 2030 rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, bổ sung nội dung: chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, nhiên liệu bền vững trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng, nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với tàu bay.
Xây dựng quy định về sử dụng hiệu quả năng lượng cho tàu bay hoạt động tuyến nội địa; xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn đối với hệ thống năng lượng mặt trời tại cảng hàng không, sân bay; xây dựng tiêu chí cho cảng hàng không xanh và thí điểm chuyển đổi một số cảng hàng không hiện hữu sang cảng hàng không xanh...
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO đã ban hành Kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế (CORSIA) với mục đích góp phần đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của lĩnh vực hàng không dân dụng. Các quốc gia sẽ phải thực hiện Giám sát - Báo cáo - Thẩm tra (MRV) phát thải CO2 từ các chuyến bay quốc tế hàng năm kể từ năm 2019.
Việc thực hiện bù đắp carbon theo CORSIA được tính từ năm 2021-2035, chia thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn tự nguyện tham gia: Từ năm 2021 - 2026, trong đó giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn thí điểm, giai đoạn 2024-2026 là giai đoạn 1. Giai đoạn bắt buộc tham gia (giai đoạn 2): Từ năm 2027-2035.
Theo ICAO, tới 1/1/2024, đã có 126 quốc gia tham gia Corsia giai đoạn tự nguyện.