Nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Raphael Grossi, sáng 7/7, chính phủ Hàn Quốc đã công bố bản báo cáo liên quan đến kế hoạch xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản ra biển. Báo cáo khẳng định kế hoạch này phù hợp với tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Đây là thông tin mà nhiều ngày nay, cả Nhật Bản lẫn IAEA hết sức mong đợi. Bởi lẽ quá trình xả nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã được chuẩn bị trong thời gian dài, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế giám sát, đánh giá
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Ảnh: NHK)
Bản báo cáo từ phía Hàn Quốc được công bố sáng nay, trong đó nói rõ ràng rằng, dựa theo kết quả kiểm định kế hoạch xử lý nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển của Nhật Bản thấy rằng nồng độ tritium đạt mức thấp, thấp hơn cả tiêu chuẩn nước thải đã cho phép, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Tiếp tới đây, Hàn Quốc sẽ tiếp tục xác nhận khả năng thực hiện cũng như tính thích hợp của kế hoạch mà Nhật Bản tiến hành, đồng thời thực hiện công việc giám sát quá trình xả thải.
Liên quan đến kết luận trong báo cáo của IAEA quốc tế đánh giá về kế hoạch xả thải của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cho rằng đây là cơ quan có uy tín đại diện cho chuyên môn trong lĩnh vực nguyên tử, nên Hàn Quốc tôn trọng nội dung trong bản báo cáo đó.
Hàn Quốc khẳng định thêm rằng việc xả thải chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới vùng biển của Hàn Quốc.
Để đưa ra được báo cáo trên, Viện Công nghệ an ninh năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã phải thực hiện công việc kiểm chứng từ tháng 8/2021.
Như vậy, Hàn Quốc cơ bản đã nhất trí kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ đã qua xử lý của Nhật Bản và thừa nhận độ tin cậy của báo cáo liên quan đến kế hoạch này của Nhật Bản. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn tiếp tục giám sát và kiểm chứng trên thực tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa trong buổi họp báo sáng nay nhận định rằng cùng với bản báo cáo của IAEA, bản báo cáo của Hàn Quốc tiếp tục khẳng định tính minh bạch cao dựa trên căn cứ mang tính khoa học. Điều này sẽ góp phần lý giải vấn đề đối với mọi người trong và ngoài nước bao gồm Hàn Quốc.
Trên thực tế, ngay khi Nhật Bản đưa ra kế hoạch xả thải, Hàn Quốc đã có những phản ứng không đồng tình. Đặc biệt, sau khi chính phủ Hàn Quốc đưa ra báo cáo thừa nhận nước nhiễm xạ đã qua xử lý của Nhật Bản đáp ứng tiêu chuẩn cho phép của quốc tế, thì ý kiến phản đối từ một số nghị sĩ, đảng đối lập và người dân có thể sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên, kế hoạch xả thải vẫn được giám sát bởi 11 quốc gia khác kể từ khi thực hiện. Điều này có lẽ sẽ làm an tâm phần nào dư luận. Những vấn đề liên quan đến môi trường cũng cần có thời gian cụ thể để kiểm chứng.
Nhật Bản cam kết sẽ giám sát chặt chẽ quá trình xả nước nhiễm xạ đã xử lý. Bộ trưởng Kinh tế và sản nghiệp Nhật Bản Nishimura sẽ trực tiếp kiểm tra các thiết bị và cơ sở xả thải, chỉ đạo công tác đảm an toàn tuyệt đối quá trình thực hiện.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm chính phủ sẽ tập trung việc giải thích đối với các ngư dân, các ý kiến còn lo ngại về độ an toàn tại Fukushima. Nhật Bản dường như đã vượt qua thử thách và an tâm về khả năng thực hiện kế hoạch xả thải của mình.
Trung Quốc cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Fukushima
Phản ứng trước kế hoạch đổ nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển của Nhật Bản, Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 7/7 cho biết sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh, thành của nước này, trong đó có Fukushima.
Tuyên bố trên được quan chức phụ trách Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra khi trả lời báo chí nước này liên quan đến việc IAEA công bố Báo cáo đánh giá tổng thể việc xử lý nước thải nhiễm xạ của Fukushima, Nhật Bản.
Theo thông tin trên trang web của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, quan chức này cho biết, kể từ sau sự cố rò rỉ hạt nhân ở Fukushima Nhật Bản năm 2011, hải quan nước này luôn coi trọng vấn đề nhiễm phóng xạ của thực phẩm Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc, theo dõi chặt chẽ các phản ứng của chính phủ nước này sau khi sự cố xảy ra, liên tục triển khai đánh giá nguy cơ nhiễm xạ của thực phẩm Nhật Bản và có những biện pháp ứng phó kịp thời.
Quan chức này nhấn mạnh, để ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm phóng xạ của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc, bảo vệ an toàn thực phẩm nhập khẩu cho người tiêu dùng nước này, hải quan Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh, thành của Nhật Bản, trong đó có Fukushima.
Thực phẩm từ các vùng khác, đặc biệt là thủy sản (bao gồm động vật thủy sinh ăn được) sẽ bị rà soát chặt chẽ các loại giấy tờ chứng nhận kèm theo, tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra 100%, liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát chất phóng xạ, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, ngăn chặn triệt để việc nhập khẩu các sản phẩm có nguy cơ.
Hải quan Trung Quốc cũng cho biết sẽ “duy trì cảnh giác cao độ” và “thực hiện mọi biện pháp cần thiết kịp thời tùy theo diễn biến của tình hình nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Trung Quốc trên bàn ăn”.
Trước đó, ngày 5/7, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối kế hoạch của Nhật Bản đổ nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển, cho rằng kế hoạch này còn nhiều vấn đề về độ tin cậy cơ sở thanh lọc và tính hoàn thiện của phương án giám sát, đồng thời cho biết sẽ triển khai giám sát môi trường đối với mức độ phóng xạ biển. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố “lấy làm tiếc về việc IAEA công bố báo cáo một cách vội vàng”.