Tòa án Quận Trung tâm Seoul hôm 4/4 phát hành lệnh bắt giữ Kim Tae-hyun, 25 tuổi với tội danh giết người.
Hồi giữa tháng 3, Kim theo dõi A - một cô gái 24 tuổi y quen qua một trang web trò chơi trực tuyến vào tháng 1.
Kim đóng giả là nhân viên chuyển phát nhanh để lừa A ra mở cửa. Lúc này trong nhà chỉ có chị gái A. Cô ra mở cửa thì bị Kim đâm chết. Khi mẹ A trở về nhà năm giờ sau đó, Kim tiếp tục đâm chết bà. Khi A về tới nhà sau đó một tiếng, kẻ thủ ác phục kích và sát hại cô.
Kim trong vòng vây của phóng viên khi bị áp giải tới đồn cảnh sát hôm 3/4. (Ảnh: Yonhap)
Theo Chosun Ilbo, Kim ở trong căn hộ của A trong suốt 3 ngày. Y tự nấu ăn, lấy bia trong tủ lạnh. Kim cố gắng xóa dữ liệu khỏi điện thoại và tự làm mình bị thương bằng cách rạch cổ tay, bụng và cổ họng.
Cảnh sát bắt giữ y tại căn hộ sau khi bạn bè của A trình báo về việc không liên lạc được với cô.
Sau khi được điều trị tại bệnh viện trong vài ngày, Kim thừa nhận ra tay giết người.
"Tôi xin lỗi", Kim trả lời cụt lủn khi phóng viên hỏi về động cơ sát hại ba mẹ con A.
Trong quá trình thẩm vẩn, Kim khai nhận y trở nên tức giận sau khi liên tục bị nạn nhân từ chối. Tuy nhiên, Kim nắm được thông tin về A sau khi cô vô tình để lộ địa chỉ nhà.
Cảnh sát cho biết họ sẽ nhờ các chuyên gia giám định sức khỏe tâm thần để xác định tình trạng tâm thần của nghi phạm.
Cảnh sát và các cơ quan tư pháp Hàn Quốc thường giữ kín danh tính của nghi phạm vì lý do riêng tư. Nhưng họ phải tiết lộ thông tin của Kim sau khi đơn kiến nghị của Nhà Xanh vượt quá 200.000 chữ ký trong hai ngày.
Vụ việc diễn ra sau khi Hàn Quốc hồi đầu tháng thông qua luật mới nhằm tăng nặng hình phạt cho hành vi rình rập, vốn từ lâu chỉ bị coi là tội nhẹ.
Theo luật mới có hiệu lực từ tháng 9, những kẻ phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 5 năm và phạt tiền lên tới 44.000 USD (hơn 1 tỷ đồng). Các trường hợp vi phạm trước đây chỉ phạt không quá 90 USD (hơn 2 triệu đồng).
Số vụ rình rập tại Hàn Quốc tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, từ 312 vụ vào năm 2013 lên 583 vụ vào năm 2019.
Các chuyên gia cho rằng có một kẽ hở trong luật mới, trong đó quy định kẻ phạm tội sẽ không bị trừng phạt nếu nạn nhân muốn họ được ân xá.
"Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng vì luật mới không tính đến khả năng người phạm tội có thể đe dọa nạn nhân và người thân của họ. Nạn nhân có thể sẽ lo sợ bị kẻ phạm tội trả thù", bà Lee Su-yeon, người phát ngôn của Hiệp hội nữ luật sư Hàn Quốc cho biết.
Theo Lee, cảnh sát Hàn Quốc vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ nhìn nhận lỗi thời của họ về việc theo dõi, coi đây là một vấn đề liên quan đến quan hệ giữa các cá nhân. Điều này ngăn họ có hành động mạnh tay trước các hành vi theo dõi, rình rập.
"Tôi bị bạn trai cũ đeo bám và đe dọa từ lâu. Nhưng khi tôi trình báo với cảnh sát, cả anh ta và cảnh sát đều không đó là hành vi phạm tội", một phụ nữ 29 tuổi chia sẻ.
Việc không được lắng nghe dù trình báo với các cơ quan chức năng như vậy sẽ khiến các nạn nhân do dự khi báo cảnh sát ngay cả sau khi luật mới có hiệu lực.
Theo luật mới, cảnh sát có thể ban hành lệnh cấm tạm thời đối với người có hành vi phạm tội, cấm đối tượng di chuyển trong phạm vi 100m xung quanh nạn nhân hay gọi điện, nhắn tin cho họ.
Tuy nhiên, nếu vi phạm lệnh cấm này, những kẻ phạm tội sẽ chỉ bị phạt tiền.
“Các khoản tiền phạt không đủ để ngăn những kẻ phạm tội tiếp tục theo dõi người khác", Lee Soo-joong, giáo sư tâm lý học pháp y tại Đại học Kyonggi cho biết.
Bà Lee kêu gọi cần có hình phạt cứng rắn hơn với hành vi rình rập, bao gồm cả án tù.