Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hải Phòng rà soát cây phượng trong trường học

Các cơ sở giáo dục thành phố được giao rà soát, cắt tỉa những cây nguy gãy đổ, nhất là cây phượng trong khuôn viên để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Công ty Công viên cây xanh cùng các công ty quản lý cây xanh TP Hải Phòng được giao kiểm tra, xử lý cây bị sâu mục nguy cơ gãy đổ, đặc biệt là cây gần trường học. Chỉ đạo này được UBND TP Hải Phòng đưa ra sau vụ cây phượng đổ, đè chết một học sinh ở trường THCS Bạch Đằng, TP HCM ngày 26/5.

Được mệnh danh thành phố hoa phượng đỏ, Hải Phòng trồng nhiều phượng ở đường phố và trường học. Ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng, cho biết đã yêu cầu các hiệu trưởng rà soát hệ thống cây xanh bóng mát trong sân trường, đặc biệt lưu ý phượng vĩ. Cây nào gốc và thân bị mục, nguy cơ gãy đổ cần loại bỏ. Cây nào cành bị hư thì cắt tỉa, hạ thấp độ cao...

Theo ông Lợi, việc nhắc nhở các trường kiểm tra an toàn đối với cây xanh sân trường được lưu ý hàng năm, trước khai giảng. Nhờ đó, nhiều năm qua các trường không xảy ra vụ cây xanh gãy đổ, làm học sinh, giáo viên bị thương.

Cây phượng gần 30 năm tuổi, đường kính thân 0,4 m bị mục thân đã được trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng chặt bỏ. Ảnh: Giang Chinh.

Là trường đầu tiên rà soát, chặt hạ cây xanh, ngày 30/5 trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hải An đã đốn một cây phượng đường kính thân 0,4 m bị mục thân; ba cây phượng khác có đường kính thân 0,4-0,7 m bị cắt cụt ngang thân, không còn cành lá và một cây xà cừ cổ thụ đường kính một mét được cắt ngọn.

Cây phượng tuổi đời khoảng 30 năm, sau khi bị chặt hạ, gốc ở trong đã mục ruỗng, dù bên ngoài vẫn xanh tốt, cho hoa đẹp. Ba cây phượng khác, theo Hiệu trưởng Trần Đức Ngọc, có tuổi đời 20-40, qua kiểm tra chưa bị rỗng thân, song quá cao, một số cành có hiện tượng sâu mục nên phải hạ độ cao.

Trường THPT Lê Quý Đôn còn hạ độ cao một cây xà cừ cổ thụ hơn 60 năm tuối được trồng gần dãy phòng học. Ảnh: Giang Chinh.

Một tuần qua, ba cây phượng trong trường học ở TP HCM, Đăk Lăk, Bình Dương gãy đổ dù trời không mưa. Theo PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp), cây phượng sinh trưởng nhanh, thân và cành rất mềm, dễ bị mục ruỗng. Rễ cây ăn nổi, dễ bị hỏng khi trồng và bảo vệ không đúng cách. Vì vậy, chỉ khoảng 30 năm, cây thường có vấn đề về gốc rễ, dễ bật gốc.

"Không phải chỉ cây phượng, với cách trồng, lát sân trường, xây bồn bảo vệ cây sai cách như ở nhiều trường hiện nay, bất kỳ cây nào cũng có nguy cơ bị bật gốc", ông Hà nói.

Nguồn: VnExpress

Tin mới